Ký ức Hà Nội 70 năm: Tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của quân và dân Thủ đô

Sáng 4/10, hướng tới Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, tại không gian bích họa phố Phùng Hưng, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức chương trình “Ký ức Hà Nội 70 năm”, nhằm tái hiện không gian Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954.
3x7a1490-1728023456.JPG
Chương trình trưng bày "Ký ức Hà Nội 70 năm": Tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của quân và dân Thủ đô. (Ảnh: Đại Lộc)

Chương trình Trưng bày “Ký ức Hà Nội 70 năm” là hoạt động Chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, và 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, do UBND quận Hoàn Kiếm giao Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức, phối hợp với với các hoạ sĩ, nhà nghiên cứu sử học.

3x7a1467-1728023801.JPG
3x7a1350-1728023909.JPG
Hình ảnh lịch sử hào hùng  về quân và dân Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô được tái hiện lại.

Hoạt động nhằm giới thiệu về một trong những giai đoạn lịch sử của dân tộc tới người dân, du khách, qua đó, giúp mỗi công dân thêm tự hào và có những hành động thiết thực, ý nghĩa, đóng góp cho việc xây dựng Thủ đô.

Điểm nhấn tại sự kiện, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay tổ chức triển lãm ảnh tư liệu, với chủ đề “Quận Hoàn Kiếm - những hình ảnh lịch sử”, giới thiệu các ảnh tư liệu của quận Hoàn Kiếm đầy thử thách và vẻ vang - từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.

3x7a1343-1728023552.JPG
Trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” và triển lãm ảnh tư liệu, với chủ đề “Quận Hoàn Kiếm - những hình ảnh lịch sử”, được tổ chức tại không gian bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). (Ảnh: Đại Lộc)

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trưng bày nhằm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước về một trong những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử lớn của dân tộc tới người dân, du khách; qua đó, giúp mỗi công dân thêm tự hào dân tộc, có những hành động thiết thực, ý nghĩa, đóng góp cho việc xây dựng Thủ đô và đất nước.

Từ ngày 4/10 đến 13/10/2024, tại Trưng bày “Ký ức Hà Nội 70 năm” sẽ diễn ra nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động trải nghiệm, tương tác tìm hiểu văn hóa lịch sử dành cho người dân và du khách. Các không gian trang trí, sắp đặt mô hình khu phố cổ xưa, các cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu và triển lãm ảnh chủ đề “Quận Hoàn Kiếm - Những hình ảnh lịch sử” hứa hẹn là địa điểm check-in thú vị cho người dân và du khách đến với Hà Nội.

3x7a1446-1728023662.JPG
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, phát biểu. (Ảnh: Đại Lộc)

Trưng bày lần này tái hiện lại không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày Tiếp quản Thủ đô (1946 - 1954). Vào tháng 2/1947, sau 60 ngày đêm khói lửa kiên cường, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi nội thành Hà Nội với lời hẹn chiến thắng trở về. Nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng đã trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ để có được ngày Giải phóng Thủ đô vào 10/10/1954.

3x7a1470-1728024146.JPG
Bà Ngô Thị Ngọc Diệp (88 tuổi, là văn công TCCT QĐND, UV BCH Hội cựu chiến binh phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm), chia sẻ về những ngày vào tiếp quản và phục vụ nhân dân Thủ đô Hà Nội ở khu vực Nhà hát lớn, bờ hồ Hoàn Kiếm... là những ngày tháng lịch sử anh hùng, hào hùng của quân dân Thủ đô và của dân tộc. (Ảnh: Đại Lộc)

Đến với chương trình trưng bày “Ký ức Hà Nội 70 năm”, du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm, giao lưu với các nhà nghiên cứu về Ngày tiếp quản Thủ đô; các hoạt động tương tác trải nghiệm trang phục bộ đội, làm dép cao su, thưởng thức các bài hát về Hà Nội.

3x7a1404-1728024487.JPG
Những nét đẹp văn hóa của Thủ đô trong lịch sử được tái hiện.

Chia sẻ câu chuyện về chiếc dép lốp cao su, ông Nguyễn Tiến Cường - chủ nhãn hiệu Vua Dép Lốp cho biết, sản phẩm độc đáo này không chỉ gợi nhắc về  Người lính bộ đội Cụ Hồ, mà còn gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng của Thủ đô. Đôi dép lốp cao su đầu tiên ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là năm 1947, khi bộ đội ta cắt chiếc lốp xe quân sự đã hư hỏng để làm thành một đôi dép bền bỉ, đi được trên mọi địa hình, mọi thời tiết... 

"Sau này khi đất nước hòa bình, chiếc dép lốp cao su được Nghệ nhân Phạm Quang Xuân (sinh năm 1942 tại Hà Nội) là bố vợ tôi tiếp tục làm. Đến nay, chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì nghề làm dép lốp, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm để không chỉ gìn giữ một nét văn hóa, câu chuyện lịch sử, mà còn tạo ra món quà lưu niệm độc đáo phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch" - chủ nhãn hiệu Vua Dép Lốp bày tỏ.

3x7a1394-1728024563.JPG
Đôi dép lốp cao su đã trải qua và chứng nhân cho năm tháng lịch sử kháng chiến anh hùng, quyết thắng của quân dân cả nước, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, cho đến thời bình tiếp tục được gìn giữ và phát triển. (Ảnh: Đại Lộc)

Đặc biệt, Ban tổ chức và các họa sĩ đã sắp đặt, tái hiện không gian Hà Nội các thời điểm và giai đoạn lịch sử đáng nhớ như: Hà Nội mùa Đông năm 1946 khi phố phường thân yêu biến thành chiến lũy; Hà Nội mùa Thu năm 1954 với cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, mô phỏng lại ngày cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. 

3x7a1460-1728024767.JPG
Trưng bày "Ký ức Hà Nội 70 năm" để cho thế hệ trẻ ghi nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc, sẽ tiếp tục học tập tu dưỡng và phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, tình thần quyết thắng.

Các thông tin, tư liệu tại triển lãm giới thiệu về chặng đường hành quân lịch sử vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, quân và dân cả nước đã lập nên mốc son chói lọi, để lại những bài học quý cho những chặng hành quân tiếp theo trên con đường độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.

Đại Lộc