Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Với vị trí nằm trên trục giao thông kết nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, tỉnh Thanh Hóa có nhiều lợi thế để trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước. Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; có cảng hàng không Thọ Xuân, được quy hoạch là sân bay quốc tế; có cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào; đã có tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội, triển vọng trong việc hội nhập, giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế; Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư và được phê duyệt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước;…
Thanh Hoá còn là mảnh đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng độc đáo, hấp dẫn, nổi tiếng như Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa và nhiều di tích, danh thắng có tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch. Thanh Hoá cũng đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, với trên 2,4 triệu lao động, chất lượng tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Những quyết sách đúng đắn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định đẩy mạnh cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo sự thông thoáng, minh bạch hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh là một khâu đột phá.
Trong nhiệm kỳ sau 5 năm thực hiện Nghị quyết với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa được cải thiện rõ rệt, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh có sự chuyển biến tiến bộ: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 xếp thứ 24 cả nước tăng 7 bậc so với năm 2016; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh từ nhóm điểm trung bình và xếp thứ 27 năm 2016 tăng lên nhóm điểm cao và xếp thứ 11 cả nước ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh.
Bên cạnh đó, những năm qua, Thanh Hóa đã tập trung quy hoạch ý tưởng trên cơ sở phát triển 4 trung tâm động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế tạo thành không gian mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là kết nối vùng, các trung tâm động lực là ưu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã dành khoảng 610.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình hạ tầng có ý nghĩa chiến lược được đầu tư như hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân, hệ thống cảng biển tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới kết nối giao thông liên vùng như đường nối Khu kinh tế Nghi Sơn với Cảng hàng không Thọ Xuân; tuyến đường nối các huyện phía Tây Thanh Hóa; đường Hồi Xuân - Tén Tằn... tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
Đặc biệt, ngày 13/11/2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Nghị quyết là động lực thúc đẩy kinh tế các tỉnh bứt phá nhanh hơn, trong đó có Thanh Hóa nói riêng.
Theo đó, về cơ chế quản lý Tài chính - Ngân sách Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hàng năm, Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được Ngân sách trung ương hoàn thuế giá trị gia tăng) nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với số thu thực hiện năm trước và Ngân sách Trung ương không hụt thu để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn…
Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới
Giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thu hút 1.845 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350.000 tỷ đồng (trong đó, có 109 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.185 triệu USD). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 138 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,475 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các dự án đầu tư trong giai đoạn qua tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiếp đến là lĩnh vực văn hóa - xã hội và du lịch. Trong đó, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 572 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 174.500 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng số vốn thu hút đầu tư; thương mại - dịch vụ 648 dự án, với tổng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm 8,6%; nông nghiệp 166 dự án, với tổng vốn khoảng 23.300 tỷ đồng, chiếm 6,7%; văn hóa - xã hội, du lịch 166 dự án, với tổng vốn khoảng 53.700 tỷ đồng, chiếm 15,3%...
Cùng với đó, việc thu hút đầu tư vào khu vực miền núi từng bước được cải thiện, tỷ lệ các dự án đầu tư vào khu miền núi tăng từ 13,3% năm 2015 lên 21,1% năm vào năm 2020, góp phần tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi...
Từ kết quả thu hút, xúc tiến đầu tư, một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách Nhà nước như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy xi măng Long Sơn (dây chuyền 1, 2); Nhà máy dầu ăn Nghi Sơn; Nhà máy điện năng lượng mặt trời Yên Định…
Một số dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực như: Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II (2.793 triệu USD); Dây chuyền 2 và 3 xi măng Long Sơn (7.382 tỷ đồng), Nhà máy hóa chất Đức Giang (2.400 tỷ đồng)…
Phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2020, năm 2021 toàn tỉnh đã thu hút được 103 dự án đầu tư trực tiếp, bằng 57,5% so với cùng kỳ (trong đó có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.701 tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ) và 155,25 triệu USD (bằng 61,5% so với cùng kỳ).
Nhìn vào những điều kiện có sẵn, những “con số biết nói” đã đạt được, cùng sự quyết tâm cao của Chính quyền, nhân dân Thanh Hóa; chúng ta có quyền hi vọng địa phương này sẽ “bay cao” ở tương lai. Niềm tin này càng được nhân lên với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị sẽ góp phần hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng của bao thế hệ lãnh đạo và người dân Thanh Hoá; để sự giàu có của Thanh Hoá góp mình trong sự thịnh vượng của đất nước Việt Nam...