Chương trình OCOP - động lực phát triển kinh tế nông thôn ở Thanh Hóa

So với nhiều địa phương khác, Thanh Hóa là một trong những tỉnh triển khai Chương trình OCOP tương đối sớm. Sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình OCOP Thanh Hóa đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
anh-1-1649583360.jpg
Với đặc thù đất rộng, điều kiện tự nhiên phong phú, các sản phẩm đa dạng, Thanh Hóa còn rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP

Tiềm năng phát triển rộng mở...

Với diện tích đất rộng, địa hình đa dạng, có cả vùng núi, trung du, đồng bằng và ven biển, từ lâu, Thanh Hóa đã nổi tiếng là vùng đất phong phú về sản vật tự nhiên và những sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Đó chính là điều kiện lý tưởng để xây dựng, phát triển sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - một bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh hiện có 161 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong đó, có 59 nghề truyền thống, 52 làng nghề, 50 làng nghề truyền thống và 12 làng nghề được công nhận thương hiệu, nhãn mác. Trên cơ sở này, tỉnh Thanh Hóa ta đang chú trọng đánh giá, xây dựng tiềm năng, lợi thế của một số nghề, làng nghề tiêu biểu gắn với phát triển du lịch.

Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều danh lam, thắng cảnh có thể phát triển thành điểm dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tạo ra các sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu... Đây chính là những sản phẩm tiền OCOP, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy, sớm có sản phẩm OCOP. Trong đó, có 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm do các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình sản xuất đều có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP. Hơn nữa, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực được người dân địa phương, khách hàng thập phương ưa chuộng như: Chiếu Nga Sơn, tơ Hồng Đô, trống đồng Thiệu Hóa, nem chua...

Những con số biết nói...

anh-2-1649583360.jpg
Doanh nhân Nguyễn Thị Vân - Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại Vinaco (TP. Thanh Hóa) là một trong những người tiên phong phát triển các sản phẩm OCOP ở Thanh Hóa

Thanh Hóa hơn 3 năm về trước, khi chương trình OCOP được đưa ra, nhiều người  bày tỏ sự mơ hồ về khái niệm và hoài nghi về giá trị. Nhưng theo thời gian, chương trình này dần khẳng định được thương hiệu, tính thiết thực và ý nghĩa  đối với các sản phẩm đại diện cho văn hóa của từng địa phương.

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 1 sản phẩm 5 sao, 44 sản phẩm 4 sao, 151 sản phẩm 3 sao. Chương trình bước đầu đã khai thác được lợi thế sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của từng địa phương trên địa bàn tỉnh để phát triển thành các sản phẩm OCOP. Miền núi phát triển các sản phẩm đặc sản như: Măng khô, dược liệu, miến dong, gạo nếp, mật ong, bột sắn dây...

Vùng biển tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế gồm: Nước mắm, mắm tôm, mắm tép; sản phẩm từ cói, các sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản. Vùng đồng bằng, trung du ưu tiên phát triển các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP như: Dưa vàng, dưa lưới; các sản phẩm chế biến như: dầu lạc, kẹo lạc; các sản phẩm có lợi thế như: gạo tẻ Đông Sơn, gạo nếp Hà Trung, rượu Nga Sơn và các sản phẩm ngành nghề nông thôn...

Qua khảo sát, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân trên 15%, có những đơn vị tăng doanh số gấp đôi như: HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn, HTX Dịch vụ Sản xuất miến gạo Thăng Long, Cơ sở đông y Quang Anh... Nhiều thương hiệu sản phẩm đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia; bánh gai Lâm Thắm, mật ong Hưởng Hoa, cam Đường Canh, cam xã Đoài Như Xuân; miến gạo Thăng Long; trà Hoàng Thảo Mộc; lá xông cảm lạnh, ngâm chân Mộc Việt...

Đặc biệt, có nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường thế giới đó là: Sản phẩm mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; sản phẩm ống hút tre xuất khẩu của Công ty TNHH Vibabo xuất khẩu sang thị trường các nước Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP Sản xuất - Chế biến cói xuất khẩu Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 64 siêu thị ở Mỹ; các sản phẩm thảo dược của Cơ sở Đông y Quang Anh đã được bán tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu trung gian...

Thêm trợ lực để khuyến khích, phát triển

Tiếp nối những thành công đã đạt được, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 1 sản phẩm OCOP 5 sao và 120 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đồng thời, chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch, lễ hội. Để đạt được mục tiêu đó, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND về ban hành chính sách phát triển Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, các chủ thể sẽ được hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền, thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đồng thời, hỗ trợ khen thưởng một lần với mức 20 triệu đồng/sản phẩm 3 sao; 40 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao và 80 triệu đồng/sản phẩm 5 sao.

anh-3-1649583360.jpg
Anh Trần Văn tân (áo trắng) đã đưa sản phẩm OCOP "rau má xứ Thanh" vươn ra thị trường thế giới 

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khi tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì nhiều địa phương đã xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng như: Thọ Xuân hỗ trợ 100 triệu đồng/sản phẩm, huyện Vĩnh Lộc hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm... Cùng với những hỗ trợ từ các địa phương, Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được xem là trợ lực quan trọng nhằm khuyến khích, tạo đà giúp doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian tới".

Để sản phẩm OCOP “bay xa”, Thanh Hóa còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hàng chục gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các siêu thị, hội chợ; giới thiệu sản phẩm OCOP và tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Hà Nội; trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Và Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập hợp tác xã OCOP để kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP hoàn thiện hồ sơ sản phẩm… 

Với những kết quả tích cực đã đạt được, cùng những tiềm năng lợi thế sẵn có, sự hỗ trợ thiết thực từ Chính quyền; có thể nói Chương trình OCOP ở Thanh Hóa sẽ đạt được nhiều thành tựu mới trong tương lai, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn...

Nguyễn Trường – Gia Cường