Làm theo cách này một gia đình ở miền núi thu 8 tỷ đồng từ sầu riêng

Là địa phương có thế mạnh về cây sầu riêng, nhưng nông dân ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) không chạy theo số lượng mà tập trung nâng chất. Những vườn sầu riêng được trồng theo "4 đúng" được cấp mã số vùng trồng, có gia đình đã thu về 8 tỷ đồng/vụ.
sau-rieng-khanh-son-01-1704328835.jpg
Huyện miền núi Khánh Sơn có lợi thế phát triển cây sầu riêng và các nông sản hữu cơ.

Một gia đình thu 8 tỷ đồng từ sầu riêng

Dù bất lợi về địa hình nhưng vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa lại có những điều kiện rất tốt về đất đai, không khí, nguồn nước, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Người dân đang chuyển dần từ việc trồng lúa rẫy, bắp, cà phê sang cây sầu riêng cơm vàng, hạt lép. Vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tăng đột biến, nhiều thương lái tìm đến thu mua với giá cao.

Toàn huyện Khánh Sơn đã có 5 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với diện tích hơn 120 ha, chiếm 10% diện tích sầu riêng đang thời kỳ kinh doanh.

Mấy năm nay, nông dân trồng sầu riêng tại huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa nắm bắt được nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường của người tiêu dùng. Bà con tuân thủ quy trình chăm sóc, kiểm soát chặt chẽ, giảm dần lượng phân, thuốc, đến nay đã hình thành các vùng trồng sầu riêng hữu cơ với diện tích khoảng 50 ha. Nông dân các xã Sơn Bình, xã Sơn Lâm liên kết thành các Tổ hợp tác trồng sầu riêng hữu cơ.

sau-rieng-khanh-son-02-1704328883.jpg
Sầu riêng đem lại thu nhập cao cho người dân huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa.

Ông Bùi Hoàng Phổ, Tổ hợp tác trồng sầu riêng hữu cơ xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn cho biết, canh tác hữu cơ đảm bảo an toàn sức khỏe, sản phẩm bán giá cao hơn.

Theo ông Phổ: "Mỗi lần hàng xóm người ta phun thuốc thì thấy mùi rất khó chịu, khiến tôi trăn trở. Từ đó, tôi cũng tìm tòi các quy trình để sản xuất ra trái sầu riêng đạt chất lượng, sản lượng mà không cần sử dụng các loại thuốc đó".

Ông Mai Văn Khang, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết, được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch giúp đảm bảo đầu ra nông sản. Năm 2023, gia đình thu được 8 tỷ đồng từ sầu riêng.

"Yêu cầu mã vùng phải đầy đủ VietGAP, OCOP, đảm bảo đầu ra an toàn. Nhờ đó, việc xuất khẩu cũng thuận lợi. Phía Trung Quốc rất kỹ chứ không phải đơn giản. Trong 3 năm, tôi phải làm theo đúng quy trình của người ta đề ra. Hàng sạch mới giữ được chất lượng cơm như này. Phải chăm sóc thôi chứ còn công cắt, công thu mua do công ty về đây ký hợp đồng", ông Khang cho biết thêm.

Lợi thế từ thương hiệu sầu riêng

Từ năm 2009, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, hỗ trợ huyện Khánh Sơn xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm này dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Sở KH-CN, đến năm 2012, nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ - chủ sở hữu là UBND huyện Khánh Sơn.

Qua 11 năm, đến nay, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép vẫn được gìn giữ, phát huy vai trò của tài sản trí tuệ - mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và địa phương. Càng tự hào hơn khi quả sầu riêng Khánh Sơn được bình chọn là “Thương hiệu Vàng nông sản Việt Nam ”.

Sầu riêng Khánh Sơn được biết đến với ưu điểm là quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, thịt ráo tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30-40%/quả, cùng với hương vị nồng nàn đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng NN-PTNT Khánh Sơn cho biết, toàn huyện có khoảng 2.500ha sầu riêng, trong đó 1.200ha đang trong thời kỳ kinh doanh, tổng sản lượng thu hoạch năm nay ước đạt khoảng 15.000 tấn.

sau-rieng-khanh-son-04-1704328923.jpg
Trồng theo phương pháp hữu cơ nên sầu riêng Khánh Sơn có chất lượng thơm ngon.

Theo ông Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, Hội Nông dân  tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách về hỗ trợ sản xuất, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ.

"Có 4 nhiệm vụ, giải pháp tới đây Hội Nông dân tỉnh phải triển khai thực hiện, đó là thay đổi nhận thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Làm sao để Hội hỗ trợ nông dân tiêu thụ được những nông sản sản xuất từ nông nghiệp sinh thái và thứ tư là có những chính sách để nông nghiệp sinh thái phát triển" - ông Lê Quốc Toàn nhấn mạnh.

Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép đã tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm quả sầu riêng được trồng ở huyện Khánh Sơn, mang lại thu nhập cao cho người trồng, trở thành “chìa khóa” để xóa nghèo cho người dân địa phương.

Hiện nay, các cơ quan chức năng tại tỉnh Khánh Hòa đang hỗ trợ người trồng sầu riêng áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách), bảo đảm thời gian cách ly, không để tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.

Tỉnh cũng khuyến khích sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thân thiện môi trường. Tỉnh Khánh Hòa đang có các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, thu mua nông sản tại miền núi. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng khuyến cáo người dân tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái bằng cách chủ động liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để hoạt động trồng và xuất khẩu sầu riêng hữu cơ ổn định, bền vững hơn./.

Trọng Đạt