VASEP kiến nghị 9 giải pháp tháo gỡ của doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có báo cáo tình hình sản xuất xuất khẩu thủy sản và các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị giải pháp tháo gỡ của doanh nghiệp thủy sản. Trong đó, VASEP tiếp tục đề xuất 9 giải pháp tháo gỡ những bất cập đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 44/CV-VASEP tới Văn phòng Chính phủ (Cơ quan Thường trực Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính), Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc báo cáo tình hình sản xuất xuất khẩu thủy sản và các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị giải pháp tháo gỡ của doanh nghiệp thủy sản.

xuat-khau-thuy-san-01-1713082527.jpg
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I/2024 đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2024. (Ảnh minh họa)

Nội dung Công văn nêu, phúc đáp Công văn số 37/HĐTV ngày 14/3/2024 của Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (Hội đồng) về việc chuẩn bị nội dung phục vụ Tổ Công tác Cải cách thủ tục hành chính làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương và Công văn số 208/PTDN-CSHTQT ngày 8/3/2024 của Cục Phát triển Doanh nghiệp về việc tổng hợp khó khăn, vướng mắc định kỳ của doanh nghiệp, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, VASEP - thành viên của Hội đồng, tổng hợp báo cáo tháng 3 về tình hình sản xuất xuất khẩu thủy sản quý I/2024 và các vướng mắc, khó khăn hiện tại về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản bứt phá đạt mốc 2 tỷ USD

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I/2024 đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là tốp 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng 15%.

Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ trong tháng 3 vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác đều giảm, cho thấy khả năng hồi phục của thị trường này ngày càng rõ rệt. Trong đó riêng xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ trong quý I tăng 15%, xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13 - 53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây đã công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Mức thuế cuối cùng cho POR19 đã được ấn định ở mức 0,18 USD/kg đối với 5 công ty. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với những POR trước đó.

Cũng trong tháng 3/2024, DOC Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador, theo đó mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với 2 nước còn lại.

xuat-khau-thuy-san-02-1713082507.jpg
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là tốp 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 3 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm cá tra và các loại cá biển, trong khi đó xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn tăng trên 30%. Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương: Sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%... Nhìn chung, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực: Sang Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%...

Có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động. Tuy nhiên, những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt như lao động, môi trường, kháng sinh cũng là bài học để ngành tôm Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, cũng như các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường.

9 kiến nghị giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thủy sản

Tiếp nối báo cáo số 01/BC-VASEP ngày 9/1/2024 Hiệp hội VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và một số bộ, ngành về việc báo cáo kết quả sản xuất, xuất khẩu thủy sản 2023 - cơ hội, thách thức trong 2024 và các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng. Bằng Công văn này, Hiệp hội tiếp tục báo cáo về các nội dung vướng mắc, bất cập đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong quý I năm nay, cụ thể như sau:

Vướng mắc đầu tiên là, đến quý I/2024, còn nhiều tàu cá tại các tỉnh thiếu giấy về đảm bảo an toàn thực phẩm (chứng nhận với tàu trên 15m và cam kết với tàu dưới 15m) theo quy định tại Thông tư 38/2018 và 17/2018 của Bộ NN-PTNT (đã có hiệu lực 5 năm). Một số cảng cá cũng không có hoặc chậm triển khai chứng nhận an toàn thực phẩm.

VASEP cho hay, Hiệp hội đã có Công văn báo cáo kiến nghị số 39/CV-VASEP ngày 26/3/2024 gửi lãnh đạo Bộ NN-PTNT. Bộ NN-PTNT đã có các trao đổi với Hiệp hội và đang xem xét có các chỉ đạo giải quyết

VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo tới các tỉnh về việc đẩy mạnh việc thực hiện tốt và đầy đủ các quy định về thẩm định - chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá, cảng cá, chợ cá… (theo TT38/2018) và cam kết an toàn thực phẩm tàu cá cho tàu cá dưới 15m theo TT 17/2018. Xem xét cấp H/C cho các lô hàng đã được xác nhận khai thác S/C gặp các bất cập trên.

Hai là, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) của một số quốc gia đã có thỏa thuận với EC, kèm lô nguyên liệu thủy sản xuất khẩu vào Việt Nam, nếu chưa đúng và đủ các nội dung như trong mẫu H/C tại «chương 28» quy định của EC mà Bộ NN-PTNT đã ban hành tại QĐ 5523 ngày 21/12/2023, thì lô hàng sản xuất từ nguyên liệu này để xuất khẩu đi EU không được xem xét để cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU.

Theo đó, VASEP kiến nghị xem xét giải quyết cấp H/C cho các lô hàng thành phẩm có nguyên liệu nhập khẩu trước ngày QĐ 5523 có hiệu lực.

Ba là, nội dung giấy chứng nhận khai thác (C/C) xuất khẩu sang Nhật Bản đang có nhiều yêu cầu hơn so với yêu cầu của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m).

Bốn là, Giấy chứng nhận khai thác (C/C) kèm lô nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam, không đủ thông tin theo quy định của Bộ NN-PTNT, nên không đủ điều kiện để cấp Giấy xác nhận Cam kết (Processing Statement) khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Với vướng mắc thứ ba và thứ tư này, Hiệp hội kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, điều chỉnh phù hợp quy định giấy C/C đối với thị trường Nhật Bản theo như quy định của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m).

xuat-khau-thuy-san-03-1713082625.jpg
VASEP tiếp tục báo cáo về các nội dung vướng mắc, bất cập đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong quý I năm 2024. (Ảnh minh họa)

Năm là, thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá, nhiều trường hợp, kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy Xác nhận Nguyên liệu S/C tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.

Sáu là, chưa có các quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.

Kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.

Bảy là, kiểm tra ADN của cừu, dê và ngựa trong bột cá sản xuất ở Việt Nam là còn bất cập và chưa tính đến yếu tố quản lý rủi ro.

Theo đó, VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT và Cục Thú y xem xét: Trường hợp đây là quy định chung của nước nhập khẩu: Bộ NN-PTNT xem xét có các trao đổi chính thức với các nước nhập khẩu này về tình hình thực tế tại Việt Nam không nuôi phổ biến dê, cừu, ngựa để trên cơ sở đánh giá rủi ro, đề nghị giảm chỉ tiêu kiểm ADN dê, cừu và ngựa trong bột cá.

Nếu nước nhập khẩu không quy định: Kiến nghị Bộ NN-PTNT sửa đổi quy định không kiểm tra ADN dê, cừu và ngựa trong sản phẩm bột cá để giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Tám là, chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Với bất cập này, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ mức khống chế chi phí lãi vay quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định 132.

Và chín là, liên quan đến Hiệp định Thương mại VKFTA Việt Nam - Hàn Quốc. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm nay 2024./.

PV