Văn hóa truyền thống của người Ê đê ở Cư Jút - Giá trị cần được bảo tồn

Với người Ê đê sống ở Đắk Nông, tiếng nói, lễ nghi truyền thống và văn hóa ứng xử được coi là tài sản quý giá cần phải giữ gìn. Được sự quan tâm của Nhà nước, các giá trị ấy luôn được bảo tồn và phát huy.

Trải qua 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Đắk Nông, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê ở đang có những tín hiệu tích cực. Nhiều người trẻ dân tộc Ê đê ở huyện Cư Jút đã dần có ý thức tiếp nối, kế thừa và đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

dong-bao-e-de-o-dak-nong-co-gang-giu-gin-nhieu-di-san-van-hoa-vat-chat-va-tinh-than-1712151071.jpg
Đồng bào Ê đê ở Đắk Nông cố gắng giữ gìn nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần.

Xã Tâm Thắng nằm cạnh dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ được biết đến như là một “điểm sáng” trong hoạt động bảo tồn nhiều nét văn hóa của đồng bào Ê đê. Hiện nay, xã 4 buôn, gồm buôn Nui, Buôr, Ea Pô và Trum với hơn 4.900 nhân khẩu thuộc 800 hộ đang chung sống với nhau. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều nét đẹp truyền thống từ nhà dài, trang phục, ngôn ngữ,...đến tinh thần đoàn kết cộng đồng vẫn luôn được bà con trong buôn trân trọng gìn giữ.

Đối với người Ê đê, không gian, khuôn viên nhà dài truyền thống là nơi thiêng liêng diễn ra các sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình và các lễ nghi truyền thống. Đến Tâm Thắng hôm nay, có thể bắt gặp hình ảnh bình yên của những căn nhà dài vững chãi nằm xen kẽ với những ngôi nhà xây theo kiến trúc hiện đại, được bao bọc bởi những vườn cà phê hay cánh đồng lúa xanh ngát.

net-dep-van-hoa-cua-dong-bao-e-de-luon-duoc-duy-tri-mo-rong-va-huong-den-su-gan-ket-cong-dong-vun-dap-va-khoi-day-cac-gia-tri-tot-dep-1712151120.jpg
Nét đẹp văn hóa của đồng bào Ê đê luôn được duy trì, mở rồng và hướng đến sự gắn kết cộng đồng, vun đắp và khơi dậy các giá trị tốt đẹp.

Chị H Ngọc Êban, Bí thư Chi đoàn buôn Nui cho biết trước đây thanh niên trong buôn ít quan tâm đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như các phong trào do địa phương tổ chức. Tuy nhiên, từ ngày được cấp ủy, chính quyền và nghệ nhân trong buôn quan tâm, vận động, buôn đã thành lập được 1 đội văn nghệ dân gian với hơn 30 thành viên có tuổi đời từ 13 đến 25.

“Đến nay, mỗi khi buôn làng có tổ chức các sự kiện quan trọng thì các thành viên trong đội lại đến nhà sinh hoạt cộng đồng buôn để cùng nhau luyện tập.” - chị H Ngọc Êban phấn khởi.

Tại buôn Buôr, chính quyền thường xuyên có những hoạt động cụ thể để thể hiện quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hằng năm chính quyền xã còn phối hợp với huyện, ngành Văn hóa tỉnh tích cực phục dựng một số lễ hội truyền thống của người Ê đê như: Lễ kết nghĩa anh em, cúng bến nước, thành lập đội múa truyền thống và thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Ngoài ra, còn góp phần khôi phục, truyền dạy cho thế hệ trẻ kỹ năng đánh chiêng, múa truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm…

mot-so-le-hoi-truyen-thong-cua-nguoi-e-de-nhu-le-ket-nghia-anh-em-duoc-chinh-quyen-quan-tam-phuc-dung-va-bao-ton-1712151160.jpg
Một số lễ hội truyền thống của người Ê đê như Lễ kết nghĩa anh em được chính quyền quan tâm phục dựng và bảo tồn

Ông Y Sim Ê ban - một Nghệ nhân ưu tú lớn tuổi và am hiểu nhạc cụ của đồng bào Ê đê cũng đồng tình: “Trong nhiều năm qua được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về mọi mặt, đời sống của người dân đã có những thay đổi rõ nét. Điều đáng mừng là đồng bào đã có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, đặc biệt là giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống thường xuyên được giữ gìn, bảo tồn và phát huy!”.

Hiện nay, đồng bào Ê đê ở Cư Jút nói riêng và Đắk Nông nói chung vẫn cố gắng giữ gìn nhiều di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Nổi bật hơn cả gồm: Hơn 10 bộ cồng chiêng cổ; hàng chục nhà dài truyền thống. Trong đó, có nhiều ngôi nhà dài cổ ở buôn Buôr, buôn Ea Pô. Hầu hết các buôn đều thành lập đội cồng chiêng, đội văn nghệ, hàng chục nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống với sự tích cực tham gia của các nghệ nhân ưu tú như Y Sim Ê ban, H Đá Êya...

khoi-phuc-giu-gin-va-truyen-day-cho-the-he-tre-nghe-det-tho-cam-truyen-thong-1712151184.jpg
Khôi phục, giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Ông Vũ Văn Bính - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết, trong những năm qua, địa phương luôn tích cực hỗ trợ, tuyên truyền đồng bào Ê đê và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) khác nói chung gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. “Hàng năm, các hoạt động văn hóa của đồng bào các DTTS luôn được duy trì, nhân rộng, hướng đến sự gắn kết cộng đồng, vun đắp và khơi dậy các giá trị tốt đẹp. Còn một số hủ tục cũng đã được xóa bỏ đáng kể. Những việc như ma chay, hiếu hỉ vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng và hướng về nếp sống văn minh”.

Trong những năm tới, đồng bào Ê Đê ở huyện Cư Jút tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương đến Trung ương nhằm phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt là việc phục dựng lễ hội; tạo không gian diễn xướng cồng chiêng; phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, … để phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống./.

Kiến Giang