Đứa con của bản và hành trình thắp sáng “ngọn đuốc” văn hóa dân tộc

Là người đồng bào Thái, ngay từ khi lọt lòng, những giá trị văn hóa của dân tộc đã thẫm đẫm trong ông qua lời ru, tiếng hát của mẹ. Không đành lòng nhìn sắc màu của bản làng bị mai một, ông đã tiên phong thắp sáng lên "ngọn đuốc soi đường" cho thế hệ trẻ để cùng nhau gìn giữ nét đẹp của dân tộc.
cong-bang-nghia-1711352698.jpg
Để tạo hứng thú cho buổi học, ông Cao Bằng Nghĩa đã kết hợp giữa giảng dạy và trình diễn các nhạc cụ dân tộc.

Đó là câu chuyện về ông Cao Bằng Nghĩa (SN1950) trú tại Khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ông được người dân đặt cho biệt danh là “đứa con ưu tú của bản làng” trong hành trình phục dựng và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc.

Thấm nhuần nét đẹp của người Thái cổ

Từ trung tâm thị trấn Hồi Xuân, chúng tôi men theo dòng sông Mã khoảng 2km để đến với bản Khằm (nay là phố Khằm), nơi sinh sống của nghệ nhân người đã dành trọn cuộc đời mình để nghiên cứu, truyền đạt những nét văn hóa tinh túy của dân tộc Thái. Dù là khu phố, nhưng nơi đây vẫn rất nhiều những căn nhà sàn đơn sơ, mộc mạc, đang nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông Mã huyền thoại.
Vừa đặt chân đên bản, chúng tôi đã nghe tiếng khèn bè được phát ra tại nhà ông Nghĩa. Tiếng khèn du dương mê đắm như níu chân, chỉ lối chúng tôi đã đến nhà ông. Tại căn nhà nhỏ đơn sơ, là nơi để thắp lên “ngọn đuốc” văn hóa dân tộc trước những cơn bão của thời kỳ ngoại lai, đổi mới.

Thấy có khách, ông Nghĩa đặt vội chiếc khèn xuống, miệng bắt đầu cất lên tiếng hát khặp mời bạn lên nhà uống nước. Vốn là người dân tộc Thái, nên tôi hiểu rất rõ những lời chào mời thân thương của ông qua từng câu hát. Rót vội chén nước, ông Nghĩa bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về hành trình đi tìm về cuội nguồn của ông.

Theo lời kể được biết, ông Nghĩa sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nằm cạnh con sông Mã. Ngay từ khi lọt lòng, ông đã được tiếp cận với những giá trị của dân tộc qua những lời ru, tiếng hát của mẹ. Những tiếng khèn bè, sáo ôi, pi pặp… của những chàng trai, cô gái trong bản đã nuôi dưỡng tâm hồn ông. Đặc biệt, ông Nghĩa có ông nội là thầy mo, lưu giữ nhiều thơ ca, sử thi của người Thái, nhằm gìn giữ bản sắc của dân tộc, trước khi mất đã truyền dạy lại cho bố của ông Nghĩa là ông Cao Ngọc Bích, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quan Hóa.

bao-bang-nghia-2-1711353082.jpg
Bên cạnh truyền dạy chữ Thái, ông Nghĩa còn mở lớp đào tạo cho thế hệ trẻ chơi nhạc cụ dân tộc như Khèn bè, Sáo ôi.

Ông Nghĩa nhớ lại: “Lúc tôi còn đang nhỏ tuổi đã thấy bố tôi đọc những tập trường ca chữ Thái, sáng tác ứng khẩu thơ Thái qua các sự việc trong xã hội, đồng thời được nghe các giai điệu du dương, trầm bổng của chiếc Khèn bè, nên tôi rất thích. Cụ luôn căn dặn các con cháu phải cố gắng học và phát huy những nét văn hóa dân tộc mình, để không được quên gốc rễ”.

Thấm nhuần lời dạy của gia đình, ông Nghĩa đã quyết tâm học tập nghiên cứu các giá trị văn hóa, tri thức của dân tộc. Năm 16 tuổi, ông đã bắt đầu học tập và chơi thành thạo một số nhạc cụ của đồng bào như Khèn bè, sáo ôi và khèn mông. Tuy nhiên, những bản nhạc do ông trình diễn lúc đấy chưa miêu tả hết được những tinh túy của dân tộc, bởi đa số những khúc trường ca cổ vẫn nằm im trên những trang sách (tiếng Thái gọi là Năng Sư).

Với quyết tâm từng bước đưa nét đẹp của dân tộc bước ra từ trang sách cổ, ông Nghĩa bắt đầu nghiên cứu học tập chữ viết của người Thái. Tuy nhiên, do chữ Thái vốn không có dấu, vừa đọc vừa phải luận nghĩa, nên thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn.

Mỗi lần đọc các bản trường ca, có rất nhiều câu từ cổ khó hiểu ông phải nhờ bố giải thích. Sau một năm nghiên cứu, ông đã nắm được các quy luật, đọc viết thành thạo chữ của dân tộc.

Theo ông Nghĩa, “tiếng Thái Thanh Hóa có 5 âm sắc, nếu không nắm được các âm sắc thì dễ bị lẫn lộn câu từ. Lúc đầu tôi học gặp rất nhiều khó khăn, bố thì bận công tác, những chỗ nào chưa rõ, tôi đành nhờ các cụ nghệ nhân chữ Thái trong bản giải thích hộ. Sau một năm nghiên cứu, tôi đã đọc thành thạo các bản sử thi cổ bằng chữ Thái”.

Không dừng lại ở đấy, để góp phần làm đa dạng các giá trị văn hóa của dân tộc, ông Nghĩa đã lặn lộn vào sâu từng bản làng gặp các thầy mo và những cụ cao niên để nghiên cứu, học tập làm đa dạng tri thức của bản thân, đồng thời lưu giữ lại các hiện vật. Qua đó từng bước góp phần tái hiện lên cuộc sống đa sắc màu của đồng bào Thái nơi đây.

Miệt mài truyền “lửa” cho thế hệ trẻ

Người Thái có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời ở Thanh Hóa, cư trú, canh tác ở các thung lũng núi cao. Đồng bào Thái ở đây mang đặc trưng chung của cộng đồng Thái ở Việt Nam nhưng không hoàn toàn giống văn hóa Thái vùng Tây Bắc và tây Nghệ An.

Đồng bào Thái ở Thanh Hóa bảo tồn nét văn hóa đặc trưng, đồng thời lại tiếp thu những nét văn hóa mới của cuộc sống đương đại. Thói quen ăn cơm nếp dần chuyển sang sử dụng gạo tẻ, ở nhà xây thay nếp nhà sàn truyền thống. Thế hệ trẻ ưa dùng quần áo may sẵn bằng vải công nghiệp lại khiến nghề trồng bông, se, nhuộm sợi, dệt thổ cẩm không còn phổ biến.

cao-bang-nghia-4-1711353339.jpg
Ông Cao Bằng Nghĩa trình diễn Khèn bè tại buổi vinh danh người uy tính năm 2023. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đặc biệt, do kinh tế đang rất khó khăn, trong khi học chữ Thái rất khó nên đa số người dân trong vùng sớm tối đều dành cho nương rẫy, lo ăn mặc từng bữa. Không còn ai lưu tâm, mặn mà với chữ viết ngoằn ngoèo của cha ông.

Nhìn những đứa trẻ, mang trong mình dòng họ của người Thái mà tiếng nói đã bắt đầu dùng từ mượn như kiểu ăn cơm trộn nếp với tẻ. Đáng buồn hơn, có người còn quên luôn tiếng mẹ đẻ, thậm chí tỏ ra xấu hổ khi nhận mình là người dân thiểu số, điều đó  đã thôi thúc ông Nghĩa mở lớp truyền dạy chữ viết và những nét văn hóa cổ cho đồng bào.

Từng là cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quan Hóa nên ông Nghĩa hiểu rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Năm 2010, sau khi nghỉ hưu, ông đã tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đấu mối với UBND xã Nam Xuân mở 2 lớp dạy chữ Thái cho cán bộ, Nhân dân trong và ngoài xã tham gia. Những bài giảng của ông là sự kết hợp đan xen giữa sử thi dân gian và những giá trị hiện thực trong đời sống hàng ngày, từ đó giúp học viên dễ hiểu, tiếp thu nhanh hơn.

Qua những việc làm nêu trên, ông Nghĩa đã trở thành người “thắp đuốc” cho bản, thúc đẩy phong trào học chữ Thái ở huyện Quan Hóa và các huyện miền núi phát triển mạnh mẽ. Nhiều người dân tìm đến nhà nhờ ông dạy chữ, dạy chơi các nhạc cụ dân tộc.

Đặc biệt, trong năm 2018, ông đã tham gia cùng Trường Đại học Hồng Đức biên soạn mảng văn hóa dân gian trong cuốn Dư địa chí huyện Quan Hóa; tham mưu cho Phòng Văn hóa và Trung tâm Văn hóa, Thông tin Thể thao và Du lịch huyện Quan Hóa thành lập câu lạc bộ khèn bè Mường Ca Da, với 45 thành viên, do ông làm chủ nhiệm câu lạc bộ.

Cùng với việc tích cực giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái, ông Nghĩa còn tham gia tuyên truyền, vận động người dân bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng “khu phố nông thôn mới”, “khu phố văn hóa”, tham gia xây dựng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến và các tổ quần chúng bảo vệ an ninh trật tự tại khu phố.

Theo ông Nghĩa, trong văn hóa dân tộc, ngoài những tinh hoa ra cũng còn nhiều những hủ tục mê tín, dị đoan. Chính vì lẽ đó mà truyền tải văn hóa cổ cần phải có sự chắt lọc, dạy điều hay, lẽ phải, tuyên truyền, khuyến khích nhân dân loại bỏ những tư tưởng cổ hủ, lỗi thời để cùng nhau xây dựng một cộng đồng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.

Không chỉ truyền lửa cho thế hệ trẻ trong việc nghiên cứu, học tập nét văn hóa của đồng bào dân tộc. Ông Nghĩa còn là một trong những nghệ nhân mang tiếng Khèn của người đồng bào Thái đi sang các quốc gia khác biểu diễn như Thái Lan, Lào, đi Cộng hòa Nê Pan và Thâm Quyến, Nam Ninh (Trung Quốc). Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc với bạn bè quốc tế.

Với những đóng góp to lớn của ông Cao Bằng Nghĩa trong hành trình “đi tìm lại tiếng mẹ đẻ”, ông Nghĩa đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành, như một nguồn động viên để ông thêm cố gắng. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của ông chính là nhìn thế hệ trẻ đọc và nói đúng tiếng dân tộc./.

Hà Khải