Lễ Hội “Sết Boóc Mạy” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ hội “Sết boóc hay còn có tên khác là Tết cây bông, một trong những lễ hội cổ của người Thái tại Mường Mó xã Cán Khê, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Trải hàng qua nghìn năm hình thành và phát triển, Sết boóc mạy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
1-1710728328.jpg
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Sết Boóc Mạy.

Tối ngày 17/3/2024, UBND huyện Như Thanh (Thanh Hoá) đã long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về công nhận “Lễ hội Sết Boóc Mạy” xã Cán Khê là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Về dự có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); Đại tá Lê Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá; đại diện lãnh đạo  một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và đông đảo Nhân dân trên địa bàn.

2-1710728460.jpg
Các thầy Mo đang tái hiện lại lễ tạ ơn Pó Then (ông trời) đã ban cho họ sức mạnh để giúp đỡ dân bản.

Tích xưa kể rằng, thuở hỗn hoang, đất trời tăm tối, ma quỷ, thú dữ quấy phá dân lành, đời sống của người dân vô cùng khổ cực, tăm tối. Trước tình cảnh ấy, Ngọc Hoàng đã phái 3 người con có tài cao, đức trọng của mình xuống cứu giúp chúng sinh.

7-1710729551.jpg
Đại tá Lê Văn Diện Đại tá Lê Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại buổi lễ.

Người con cả là Mo Mụt hay còn gọi là bà Máy, người con thứ hai là Mo Mường và Mo Mùn. Đây là 3 vị được coi như thiên sứ vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân tộc Thái. Họ có trách nhiệm giúp người dân bản có thức ăn, thuốc chữa bệnh và diệt ma, trừ tà để dân bản được khỏe mạnh, bình an, người già được sống lâu hơn, con gái, con trai thì khỏe đôi tay, chắc đôi chân để làm nương rẫy kiếm cái ăn, cái mặc.

5-1710728312.jpg
Lễ hội Sết Boóc Mạy được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch tại thôn Mó 1 xã Cán Khê, huyện Như Thanh.

Mỗi người một nhiệm vụ, thông qua các lễ nghi như dựng cây bông, lễ cầu mưa, Lễ “Sết Boóc Mạy”, họ đã hướng dẫn, giúp đỡ người dân làm ăn, chinh phục thiên nhiên, chinh phục mọi khó khăn thử thách để xây dựng gia đình no ấm, xây dựng bản Thái ngày càng phát triển.

Để ghi nhớ công ơn của các vị thần linh, và tổ tiên của mình, như một lẽ tất nhiên, cứ mỗi độ tết đến xuân về (vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm), đồng bào dân tộc Thái thôn Mó 1, xã Cán Khê đều tổ chức Lễ hội Sết Boóc Mạy để khẳng định sự tri ân của mình đối với tổ tiên, đồng thời cũng truyền lại cho thế hệ con cháu về truyền thống kiên cường, bất khuất của ông cha, nhắn nhủ con cháu không ngừng nỗ lực, sáng tạo xây dựng thôn, bản mạnh về kinh tế, giàu đẹp về văn hóa, tinh thần.

4-1710728755.jpg
Boóc mạy hay còn gọi là cây bông, được kết thành 9 tầng thể hiện 9 tầng mây, các màu sắc của hoa thể hiện những buồn vui, hạnh phúc của con người.

Ghi nhận những giá trị nhân văn đó, ngày 10/11/2023, Lễ hội Sết Boóc Mạy của đồng bào Thái xã Cán Khê huyện Như Thanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Lê Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá, đã gửi lời chúc mừng và biểu dương Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân huyện Như Thanh, đặc biệt là các thế hệ nghệ nhân và người dân xã Cán Khê đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo tồn, thực hành, phát huy di sản văn hóa quý giá và độc đáo này, để di sản Lễ hội truyền thống - Lễ hội Sết Boóc Mạy ngày càng có sức sống trường tồn, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

8-1710729731.jpg
Đông đảo du khách thập phương về tham dự lễ.

Theo Đại tá Lê Văn Diện, sự kiện đón nhận và vinh danh Lễ hội Sết Boóc Mạy là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng ta, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm của các cấp, các ngành của tỉnh và của huyện Như Thanh; của các thế hệ nghệ nhân dân gian và cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Như Thanh trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá di sản này. Qua đó tạo các điều kiện thuận lợi về môi trường thực hành lễ hội phù hợp với các điều kiện phát triển mới.

Đến nay, huyện Như Thanh đã có 06 di tích lịch sử, văn hóa - Danh lam thắng cảnh được công nhận, trong đó có 05 di tích cấp tỉnh và 01 di tích lịch sử Quốc gia. Có 02 Di sản văn hóa phi vật thể (Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, xã Xuân Phúc và lễ Hội Sết Boóc Mạy xã Cán Khê) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia./.

Hà Khải