Văn hóa dòng họ xưa và nay, Đẹp và chưa đẹp (Phần II)

Tinh thần gia tộc đã được gìn giữ và nuôi dưỡng trong đạo lý gia đình, để mỗi cá nhân phải làm người trọn đạo hiếu với cha mẹ và tổ tiên, tròn phận sự với con cái; làm gạch nối giữa các thế hệ, gìn giữ và trao chuyển liên tục các giá trị vĩnh hằng của đạo đức làm người.
mau-cuon-thu-gia-pha02-1642824299.jpg
Gia phả họ tộc

Dòng họ - nơi quy tụ và lan tỏa

Bất cứ một dòng họ nào, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì đều có sự phát tán lan tỏa và quy tụ. Một dòng họ, có khi do đất đai chật hẹp, có khi do đông nhân khẩu hoặc biến động của thời cuộc, đã phân chia làm nhiều chi ngành, trong đó có khi phải ly tán tha hương, lập nghiệp nơi xứ người. Khi ấy, gia phả thất lạc vì loạn ly, lụt lội, binh lửa, chỉ còn trong lời truyền của các bậc cao niên rằng nơi ấy nơi nọ có một chi của dòng họ mình.

Vì vậy, triền miên trong lịch sử là các cuộc “tìm về cội nguồn”, “vấn tổ tầm tông”. Thường khi nhận họ, người ta phải đem theo chứng cứ là gia phả, chúc thư, hoặc vật làm tin, hoặc một người già làm chứng. Sau khi trình gia phả hoặc bằng chứng, thì ông trưởng tộc mới họp cả họ lại để bàn bạc và đưa ra ý kiến. Nếu được công nhận, khi ấy mới phân chia ngôi thứ để biết cách xưng hô. Người đi xa về nhận họ sẽ sắm sửa mấy mâm cơm để anh em họ mạc chung vui.

Có dòng họ thì hậu duệ lưu lạc ngay trong một nước, lại cũng có dòng họ có con cháu lưu lạc ở nước người. Do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy, sắp đặt, giữa Việt Nam và Cao Ly xưa (nay là Hàn Quốc và Triều Tiên) đã có một mối liên hệ rất đặc biệt.

Đó là quan hệ thiên di và huyết thống. Chỉ kể từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây, xác nhận đã có 6 cuộc người Hàn Quốc về Việt Nam tìm họ hàng hoặc chắp nối lai lịch và huyết thống. Trong số đó có con cháu của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi tại Hàn Quốc.

Sự kiện tháng 5 /2015, Ngài Ban Ki-moon (tên chữ Hán là Phan Cơ Văn), Tổng thư ký Liên hợp quốc về Việt Nam thăm nhà thờ họ Phan Huy ở Sài Sơn. Ngài dâng hương, xem gia phả và để lại lưu bút. Câu chuyện này làm xôn xao dư luận vì mọi người đều nghĩ là Ngài Ban Ki - moon về Việt Nam tìm lại họ hàng.

9a8dfa54-1642824417.jpg
Ảnh minh họa

Dòng họ và sự giữ gìn tục thờ cúng tổ tiên

Gia đình người Việt, mỗi nhà đều có một bàn thờ gia tiên, là nơi cao ráo, chính giữa ngôi nhà. Nhưng mỗi dòng họ lại cũng có nhà thờ riêng, thậm chí có dòng họ có nhiều nhà thờ họ: nhà thờ đại tông, nhà thờ tiểu tông, tức là nhà thờ các chi ngánh. Thờ cúng tổ tiên là một đạo lý của người Việt. Nhà thờ họ là nơi quy tụ anh linh liệt tổ liệt tôn, là nơi con cháu tổ chức lễ tế tổ, tế lễ Tết và họp họ.

Trong hương trầm lan tỏa, những vàng son chói lọi từ các hoành phi câu đối thờ nhắc nhớ đến công đức lớn lao của tổ tiên và khát vọng muôn thuở về một cuộc sống dồi dào phúc lộc, may mắn an lành. Những thăng trầm của lịch sử đã trôi theo tháng năm. Những thay đổi của đời sống xã hội đã dội vào sinh hoạt và văn hóa dòng họ, gia đình.

Ngày nay, tiếp thu chắt lọc những nét đẹp nhân văn của những đạo lý mà tổ tiên đã dạy, đã gửi gắm, xây nền đạo đức mới trên nền nhân đức của cha ông mãi mãi là một việc đáng suy ngẫm và cần thiết trong gia đình, gia tộc và xã hội Việt Nam hôm nay và mai sau./.

Nguyễn Xuân Huy