Sự sụt giảm của báo chí in
Trên thế giới, nỗi quan ngại về sự "hết thời" của báo in được đặt ra cách đây đã lâu, khi sự khủng hoảng số lượng phát hành lan tới cả thành trì của các "đại gia" Mỹ như: New York Times, Washington Post, Los Angeles Times... Việc một loạt sự kiện chưa có tiền lệ vừa diễn ra gần đây khi những tờ báo “đình đám” như: Financial Times, Frankfurter Rundschau (Đức); Newsweek (Mỹ); The Independent (Anh)... lâm vào tình trạng phải đóng cửa khiến không ít “tín đồ” trung thành hụt hẫng, ngao ngán khi nhìn vào tương lai không mấy sáng sủa của báo in.
Đã có không ít ý kiến cho rằng, báo in đang ở thế bí bách và bên bờ vực tuyệt vọng. Song, với những độc giả trung thành, họ vẫn tin rằng, báo in chỉ đang chống chọi với những khó khăn của thời đại để sang một giai đoạn mới của vòng đời. Dù thế nào đi nữa cũng phản ánh một thực trạng: Báo in ngày nay có những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Đứng trước thực tế ấy, báo in phải thích nghi như thế nào để tiếp tục tồn tại và phát triển? Đây là bài toán đang đặt ra cho giới báo chí cũng như các cấp Hội Nhà báo bàn thảo, tìm lời giải cho bài toán khó đang khiến không ít lãnh đạo cơ quan báo chí phải “oằn mình” chống chọi với cơn bão mang tên “mạng xã hội”.
Sự phát triển như vũ bão của truyền thông xã hội, sự tích hợp đa phương tiện được truyền dẫn đến người xem một cách tức thời và gần như là miễn phí đã và đang làm công chúng toàn cầu mê mẩn. Những cái tên Google, Facebook, YouTube... ngang nhiên thách thức các đế chế truyền thông lừng lẫy. Một thực tế cay đắng đang diễn ra là các ông trùm truyền thông như CNN, Reuters, AP, AFP, UPI, CBS... phải nhún mình để bắt tay với những thế lực mới nổi này.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Không thoát khỏi xu thế chung của thế giới, báo in Việt Nam, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành cũng đang đứng trước không ít thách thức khi số lượng phát hành giảm mạnh trong những năm gần đây. Một số tạp chí phải cắt giảm phóng viên, biên tập viên, vì sự suy giảm phát hành và quảng cáo. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều tạp chí không có sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa. Tình trạng nợ nhà in, nợ lương, nợ nhuận bút đang diễn ra ở không ít cơ quan báo chí. Tình trạng báo ra chậm, hoặc phải dồn số do thiếu kinh phí không phải là hiếm gặp.
Trước sự cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường, các tạp chí chuyên ngành còn gặp vô vàn khó khăn, gian nan trong hành trình khẳng định vị thế, vai trò của mình. Đó không chỉ là sự vất vả đơn thuần về nguồn kinh phí eo hẹp, hoạt động chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ, mà còn là sự lo ngại đối với đội ngũ cộng tác viên ngày càng “già hóa”, thiếu vắng những cây bút trẻ tài năng, sáng tạo và nhất là phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, thị phần bị ảnh hưởng, lượng độc giả mất vào tay truyền thông xã hội.
Đó là chưa nói tới việc giá thành, chi phí cho việc in ấn và phát hành ngày càng tăng cao, tiêu tốn một khoản ngân sách đáng kể của các tạp chí. Quả thật, chi phí in ấn phát hành, cùng thói quen chuyển sang dùng Internet đang là nguy cơ lớn, làm mất dần độc giả trung thành của các tạp chí.
Trong bối cảnh có sự bùng nổ của các loại hình giải trí, văn hoá đọc truyền thống cũng có sự thay đổi đáng kể theo hướng suy giảm. Một bộ phận lớn độc giả, đặc biệt là lớp trẻ không còn mặn mà với văn hoá đọc đã tìm đến các loại hình giải trí, nghe nhìn hiện đại. Một bộ phận khác đã thay đổi phương thức đọc, thay vì đọc báo giấy chuyển sang đọc báo mạng, vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi, lại phù hợp với nhu cầu giải trí riêng của bản thân…
Cái khó nữa, thiết nghĩ nếu không đề cập sẽ là thiếu, đó là tất cả nguồn lực đầu tư cho tạp chí hoạt động chỉ còn chờ từ quảng cáo và bán ấn phẩm. Tuy nhiên, đối tượng quảng cáo và phát hành chủ yếu là các đơn vị doanh nghiệp trong ngành, việc phát triển các khách hàng lớn, bên ngoài bộ, ngành gặp nhiều khó khăn hạn chế, do đặc thù là tạp chí chuyên ngành. Phải là những tạp chí có nội dung thiết thực với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, có đội ngũ phóng viên kinh tế có mối quan hệ tốt với cơ sở, doanh nghiệp thì việc khai thác quảng cáo mới thuận lợi và đạt kết quả đáng kể.
Kết quả nghiên cứu ở một số tạp chí tại Hà Nội cho thấy, hầu hết cán bộ, phóng viên, biên tập viên công tác tại các tạp chí chuyên ngành không có thu nhập gì đáng kể ngoài lương. Làm sao có thể thôi thúc họ tâm huyết với nghề, trở thành những cây bút “trong điều kiện” “tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế” ngay trong làng báo.
Trong khi áp lực công việc lại quá lớn, nhất là tổng biên tập vừa phải lo ổn định hoạt động tổ chức để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa phải lo phát triển các hoạt động kinh tế - dịch vụ để có nguồn thu bảo đảm bộ máy hoạt động và các khoản chi quản lý, hành chính…
Đi tìm giải pháp
Thứ nhất, các tạp chí chuyên ngành phải đa dạng hóa nguồn thu mới có thể đảm bảo được sự phát triển. Ngoài hoạt động phát hành, cần phải triển khai nhiều hoạt động khác như quảng cáo tuyên truyền, tổ chức sự kiện, phối hợp tổ chức hội thảo, hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp để làm các chương trình truyền thông... Các cơ quan báo chí in cần hướng tới xây dựng tòa soạn đa phương tiện, bên cạnh việc duy trì phát triển tạp chí in sẽ hướng trọng tâm phát triển cho Tạp chí điện tử.
Thứ hai, để nâng cao tính cạnh tranh, các tạp chí cần tập trung phát huy thế mạnh của mình là đầu tư sâu để tạo ra những bài viết chuyên sâu, chuyên luận, khái quát, định hướng thông tin và có tính nghiên cứu khoa học cao. Việc tăng cường đội ngũ cộng tác viên giỏi đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng của tạp chí. Rõ ràng, yêu cầu của công chúng, của thời đại luôn đòi hỏi các tạp chí chuyên ngành phải có sự đổi mới phù hợp với nhịp sống hối hả của đời sống báo chí trong nước, cũng như trên thế giới. Sự đổi mới này tuy rất cần thiết nhưng nhất định phải được xây dựng trên một “bệ phóng” vững chãi, có định hướng phát triển đúng đắn và có những hướng đi phù hợp với công chúng của mình. Tất nhiên, còn nhiều việc phải làm và chỉ khi nào các Tạp chí có thể tự đảm bảo cân đối nguồn thu - chi thì lúc ấy mới có thể nói đến uy tín và sự quan tâm của độc giả.
Thứ ba, coi trọng tính tương tác. Trong làn sóng hội tụ truyền thông hiện nay, báo chí in cần tận dụng diễn đàn tương tác mạng xã hội, tiến quân vào lĩnh vực mạng Internet di động, không ngừng đổi mới, sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ truyền thông chất lượng cao thích hợp với thời đại truyền thông mới, xây dựng ý thức thương hiệu, ý thức dịch vụ, coi trọng sự tương tác với công chúng, thu thập ý kiến phản hồi online... Đồng thời, cần đề cao tính tương tác giữa tòa soạn với tòa soạn, giữa phóng viên và biên tập viên để trao đổi kinh nghiệm, update thông tin...
Kể từ năm 1609 – năm tờ báo in đầu tiên trên thế giới ra đời cho đến nay, báo chí in đã có hơn 400 năm lịch sử. Mỗi cuộc cải cách của ngành báo chí đều diễn ra theo xu thế phát triển của thời đại. Trong thời đại hiện nay, công nghệ thông tin, công nghệ số hóa phát triển như vũ bão, các phương tiện truyền thông và mô hình truyền thông trước kia đã không còn thích hợp. Do đó, tương lai của báo chí in cần bám sát sự phát triển của thời đại, sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thời đại mới, đổi mới mô hình quản lý kinh doanh. Như thế báo chí in mới có được những bước phát triển mới và không bị “biến mất” như lời dự đoán của một số chuyên gia.