Tăng trưởng xanh (TTX), phát triển kinh tế xanh là xu hướng thời đại, đòi hỏi mọi quốc gia, mọi nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cần thực hiện nghiêm túc, có bước đi thích hợp. TTX (Green grouth) sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, vừa hướng tới phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên bền vững.
Nhận thức rõ điều đó, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tiếp cận và học hỏi mô hình TTX của nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Singapore... Trong đó, Hàn Quốc là nước đã ban hành nhiều chính sách khá toàn diện về TTX cả dài hạn và ngăn hạn: Đồng thời nhiều quốc gia khác như: Úc, UAE, Nhật Bản, Đan Mạch, Na Uy đã phối hợp cùng với Hàn Quốc thành lập một tổ chức liên chính phủ để phối hợp cùng nhau phát triển TTX.
Cùng với các nước nói trên, từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2050. Sau hơn 10 năm triển khai, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội và nghề nghiệp trong cả nước đã có nhận thức, đồng thuận khá cao về TTX, coi đó vừa là xu hướng tất yếu, vừa là trách nhiệm của mọi thành viên, mọi người dân,... Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của xu hướng này còn rất hạn chế. Thậm chí, có nơi, có lúc còn cố tình vi phạm và đi ngược lại xu hướng này.
Để chấn chính và đưa xu hướng TTX vào quỹ đạo, ngày 01/10/2021, Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 1658/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược là bước đi cụ thể hoá cam kết đến 2050, đưa phát thải ròng Carbon về 0 và 75% năng lượng dự kiến đến từ các nguồn năng lượng tự tái tạo vào năm 2045; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên 300 tỷ USD trong tổng GDP của quốc gia vào năm 2050.
Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Và để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, đòi hỏi Chính phủ hoàn thiện và bổ sung nhiều chính sách hợp lý như huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, đặc biệt có chính sách khuyến khích, ưu đãi cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, đầu tư xanh để chuyển đổi xanh, thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.
Cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm cao cả của mình trong vấn đề môi trường xanh và TTX. Là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần từ thực tế cuộc sống hãy đóng góp kinh nghiệm, kiến thức, sáng kiến của mình để hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định, chính sách về phát triển kinh tế xanh, TTX. Bản thân các doanh nghiệp cần tích cực vừa chuyển đổi số vừa chuyển đổi xanh, để đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yếu tố phát triển kinh tế xanh lâu dài, bền vững.