Rừng còn được ví như lá phổi xanh của trái đất, có vai trò quan trọng hấp thu khí carbon, sản sinh ra khí ô xy cần thiết cho sự sống. Rừng giữ vai trò trong việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ôxy cho khí quyển và hấp thụ lượng khí carbon.
Quan trọng hơn cả là những tác dụng sinh thái của rừng, đối với người và động vật thì ô xy là loại khí quan trọng nhất để tồn tại. Con người hít khí ô xy và thải ra khí carbon Trong khi đó, để tồn tại cây cối lại cần khí carbon.
Khi xảy ra cháy rừng hoặc sử dụng các nguồn nhiên liệu như xăng dầu, than đá…thì khí carbon sẽ được giải phóng ra ngoài khí quyển. Nếu có quá nhiều khí carbon thải vào không khí thì toàn bộ trái đất của chúng ta sẽ ấm dần lên. Nhưng nhờ rừng hấp thu khí carbon đã và đang giúp trái đất không bị nóng lên, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, rừng bị chặt phá quá nhiều nên lượng khí carbon thải vào bầu khí quyển ngày càng nhiều. Do đó, khí hậu đang thay đổi và sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực cho con người, tác động tới môi trường toàn cầu nhưng rõ rệt nhất là việc sụt giảm nguồn nước ngầm, bão tố, lũ lụt, nắng hạn… thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng đến đời sống dân cư, hủy hoại sản xuất nông nghiệp và làm suy thoái đa dạng sinh học và tài nguyên nước…
Như vậy việc bảo vệ và phát triển rừng ngoài việc mang lại lợi ích trực tiếp cho cuộc sống người dân hàng ngày mà còn hạn chế được những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Do đó cần nỗ lực, chung sức góp phần bảo vệ và phát triển rừng.