Doanh nghiệp xây dựng phải thay đổi bởi cam kết Net Zero

Hiện nay, tại Việt Nam đã có sự triển khai tích cực của nhiều giải pháp, tập trung vào việc hoàn thiện các cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy cam kết Net Zero. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã thấy được nhiều cơ hội và thách thức mới trong việc xây dựng các công trình xanh.
1-1712910894.jpg
 Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam tổ chức hội nghị “Xây dựng để trường tồn” tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 11/4/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Xây dựng để trường tồn”.

Tham dự hội nghị có sự hiện diện của ông Thibaut Giroux - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Thành phố Hồ Chí Minh (VDAS); ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam cùng đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, đặc biệt là trong ngành xây dựng, nơi mà sử dụng vật liệu bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng tuổi thọ của công trình và quy cách tái chế vật thải từ các công trình xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban chuyên ngành Xây dựng đã tổ chức hội nghị và thu hút hơn 400 khách mời bao gồm: Các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn công trình, nhà cung cấp, và nhiều ngành khác nhằm hướng tới một tầm nhìn thực tiễn về xu hướng phát triển xanh hiện nay.

2-1712910937.jpg
3-1712910956.jpg
Qua hội nghị, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, đặc biệt là trong ngành xây dựng, nơi mà sử dụng vật liệu bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng tuổi thọ của công trình.

Hội nghị xoay quanh các vấn đề chính về ô nhiễm và rác thải từ hoạt động xây dựng, các công nghệ mới được áp dụng để cải tiến vật liệu, tài chính trong việc đầu tư vào công trình xanh và các mô hình đầu tư để hỗ trợ tài chính và định hướng phát triển bền vững trong tương lai.

Bà Trần Ngọc Danh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Thành phố Hồ Chí Minh (VDAS), Nhà Sáng lập Giải thưởng Thiết kế Việt Nam (VMARK) chia sẻ: “Để đạt được sự bền vững về môi trường trong phát triển đô thị, điều quan trọng là tất cả các bên liên quan như Nhà thiết kế, Kiến trúc sư, Chủ đầu tư, Công ty xây dựng, Nhà máy phải cùng nhau hợp tác và hành động ngay lập tức”.

“Chúng ta cần tạo ra các chiến lược thực tế ưu tiên phát triển thành phố xanh và cải tạo môi trường xây dựng. Những chiến lược này nên hướng tới việc đạt lượng khí thải carbon bằng 0 hay net-zero CO2 bằng cách tuân theo các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn. Điều quan trọng là phải cân bằng tính bền vững của môi trường trong khi vẫn bảo tồn văn hóa và di sản Việt Nam. Hãy cùng hành động ngay bây giờ”, bà Trần Ngọc Danh nhấn mạnh.

4-1712911005.jpg
5-1712911029.jpg
Trong khuôn khổ hội nghị, 14 doanh nghiệp đã trưng bày, quảng bá sản phẩm, dịch vụ hướng tới nền tảng xây dựng xanh, bền vững.

Nói về việc áp dụng vật liệu thép trong công trình xây dựng để đi theo hướng công trình xanh, đại diện đến từ Pebsteel, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Tổng Giám đốc khu vực miền Trung và miền Nam chia sẻ: “Việc sử dụng vật liệu xây dựng có tác động đáng kể đến môi trường, dẫn đến suy thoái môi trường. Tại Pebsteel, chúng tôi ưu tiên lựa chọn những vật liệu bền vững để bảo vệ môi trường khỏi những tác động tiêu cực của vật liệu xây dựng. Tất cả các vật liệu được sử dụng trong các tòa nhà thép của chúng tôi đều được chứng nhận trên toàn cầu”.

Tính bền vững không chỉ nằm trong công tác xây dựng mà còn trong quá trình sử dụng và bảo trì. Đại diện Aden Việt Nam, ông Guillaume Gimonet - Trưởng Bộ phận Giải pháp Dịch vụ Kỹ thuật chia sẻ: “Dựa trên kinh nghiệm cho các dự án công nghiệp, thương mại và dân cư tại Việt Nam, Aden nhấn mạnh tác động đáng kể của các biện pháp bảo trì đối với tính hiệu quả của hoạt động bền vững. Bằng cách triển khai các quy trình, kiến thức và công cụ kỹ thuật số phù hợp, chúng tôi có thể đạt được hiệu suất cao hơn 15-20% và hướng tới một tương lai bền vững trong suốt vòng đời dự án”.

Trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, cuộc thảo luận đã chuyển sang những ảnh hưởng tài chính đối với các chiến lược phát triển khác của công ty. Ông Yoan Guyon - Giám đốc Thương mại của GreenYellow Việt Nam cho biết: “Các công ty lớn đang thúc đẩy chính phủ thực hiện thỏa thuận mua điện trực tiếp (dPPA), cho phép các bên có thể chọn mua năng lượng tái tạo qua mạng lưới điện. Nếu không có điều này, một số công ty lớn có thể sẽ rút vốn đầu tư vì họ không thể tuân thủ cam kết về giảm lượng carbon của mình”.

Trong khuôn khổ hội nghị, 14 doanh nghiệp đã trưng bày, quảng bá sản phẩm, dịch vụ hướng tới nền tảng xây dựng xanh, bền vững. Nền tảng này cho phép họ tương tác với tất cả các đối tác và khách hàng tiềm năng trong ngành công nghiệp xây dựng tại Việt Nam.

Thông qua các cuộc thảo luận đa chiều, sôi nổi, các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp đã tiếp nhận được cái nhìn mới mẻ, thiết lập các mối quan hệ đối tác, và đặt nền móng cho các sáng kiến đổi mới trong xây dựng. Khi Việt Nam đang hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn, những nỗ lực hợp tác tại hội nghị này thể hiện sự cam kết về việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, hướng tới một môi trường sống ôn hoà, thân thiện với thiên nhiên. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà còn đảm bảo sự thịnh vượng của các thế hệ tương lai./.

Đạm Quang Lê