Vải thiều Hải Dương khẳng định tiêu chuẩn Nhật Bản

Tập đoàn AEON Nhật Bản tiếp tục thu mua vải thiều Hải Dương cho toàn hệ thống siêu thị tại Nhật. Hải Dương khẳng định vị thế nông sản xuất khẩu chủ lực bằng chất lượng và quy trình đạt chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn vải Hải Dương

Ngày 5/6, đại diện Tập đoàn AEON Nhật Bản cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương đã trực tiếp kiểm tra vùng trồng vải xuất khẩu tại huyện Thanh Hà. Đây là năm thứ 6 liên tiếp AEON nhập khẩu vải thiều Hải Dương – loại quả được đánh giá cao cả về chất lượng và mẫu mã tại thị trường Nhật Bản.

Ông Sato Teruaki, chuyên viên thu mua của AEON Nhật Bản, cho biết: "Vải Thanh Hà ngon hơn tất cả các vùng trồng khác. Năm nay, AEON sẽ phân phối vải Hải Dương tại toàn bộ hệ thống siêu thị của mình trên khắp Nhật Bản."

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương Lương Thị Kiểm (ngoài cùng bên phải) cùng chuyên gia thu mua Tập đoàn AEON Nhật Bản kiểm tra vùng trồng vải xuất khẩu tại huyện Thanh Hà, ngày 5/6/2025 -Ảnh Tiến Mạnh
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương Lương Thị Kiểm (ngoài cùng bên phải) cùng chuyên gia thu mua Tập đoàn AEON Nhật Bản kiểm tra vùng trồng vải xuất khẩu tại huyện Thanh Hà, ngày 5/6/2025 - Ảnh Tiến Mạnh

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương: “AEON đưa ra tiêu chí nhập khẩu còn khắt khe hơn Chính phủ Nhật. Việc duy trì được kim ngạch xuất khẩu ổn định suốt nhiều năm chứng tỏ chất lượng vải thiều Hải Dương ngày càng được khẳng định.”

Để đáp ứng yêu cầu cao từ phía Nhật Bản năm 2019 đến nay, Hải Dương đã nghiên cứu và áp dụng công thức thuốc bảo vệ thực vật riêng biệt. Trên từng gốc cây vải đều ghi rõ lịch sử chăm sóc, thời gian phun thuốc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Mùa vụ năm 2025, Hải Dương trồng khoảng 8.800 ha vải, sản lượng ước đạt 65.000 tấn, tăng hơn 20.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó, khoảng 70% sản lượng sẽ được xuất khẩu, với gần 15% vào các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Canada và Úc.

Hiện toàn tỉnh có: 12 vùng đạt chứng nhận GlobalGAP, 56 vùng đạt chứng nhận VietGAP, tổng diện tích canh tác đạt chuẩn: 721 ha

Kết nối doanh nghiệp – mở rộng thị trường

Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) là một trong các đơn vị chủ lực xuất khẩu vải Hải Dương. Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty trước đó cho biết: ông đánh giá cao việc AEON ủy quyền cho Việt Nam tự kiểm định chất lượng đầu vào, giúp tiết kiệm chi phí và tăng khả năng xuất khẩu.

Nông dân huyện Thanh Hà (Hải Dương) thu hoạch vải thiều theo quy trình VietGAP, chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản -Ảnh Tiến Mạnh
Nông dân huyện Thanh Hà (Hải Dương) thu hoạch vải thiều theo quy trình VietGAP, chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - Ảnh Tiến Mạnh

Từ ngày 24/5, AEON đã bắt đầu thu mua vải thông qua các doanh nghiệp Việt Nam, mỗi ngày từ 12 – 15 tấn. Việc hậu kiểm sẽ được thực hiện khi hàng hóa đến Nhật, cho thấy niềm tin vào hệ thống kiểm soát chất lượng nông sản của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao.

Sau hơn 5 năm xuất khẩu chuyên nghiệp, vải thiều Hải Dương đã trở thành thương hiệu nông sản quốc gia, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững.

Hiện nay, gần 30 doanh nghiệp trong nước tham gia tiêu thụ vải tại Hải Dương, tạo nên chuỗi liên kết hiệu quả giữa nông dân – doanh nghiệp – thị trường xuất khẩu.

Với chất lượng vượt trội, quy trình canh tác đạt chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, vải thiều Hải Dương không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế địa phương gắn với nông nghiệp xanh và bền vững./.

Xuân Hiếu