Uống nước dừa hàng ngày có công dụng gì?

Nước dừa tươi là một thức uống tự nhiên phổ biến và được ưa chuộng không chỉ vì sự an toàn mà còn vì lợi ích lớn đối với sức khỏe và làn da.
dua-1697332176.webp
Uống nước dừa hàng ngày giúp chị em phụ nữ ngày càng thon gọn - Ảnh minh họa.

Ngoài tác dụng giải khát còn cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe, như chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, bao gồm khoảng 95% nước và một phần còn lại là đường cùng với các vi chất quan trọng như kali, sắt, canxi, và photpho. Nước dừa non là một thức uống bổ dưỡng có khả năng tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa bệnh sỏi thận, kiểm soát huyết áp và tốt cho tiêu hóa. Một quả dừa non trung bình cung cấp 240ml nước, cung cấp 57 kcal năng lượng cho cơ thể. Nước dừa là nguồn giàu vitamin nhóm B, vitamin C, magie, mangan, kali, natri, canxi, cùng với chất xơ và chất khoáng quan trọng cho cơ thể. Dưới đây là những công dụng của nước dừa đối với sức khỏe.

Cung cấp dưỡng chất

Nước dừa là một thức uống có giá trị dinh dưỡng đáng kể do có chứa ít calo và chất béo, nhưng lại cung cấp một loạt các vitamin và khoáng chất quan trọng, bao gồm axit lauric, clorua, sắt, kali, magiê, canxi, natri và phốt pho. Đặc biệt, hàm lượng kali trong nước dừa tươi cao hơn gần gấp đôi so với chuối. Kali là một chất quan trọng giúp cân bằng điện giải trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động của hệ cơ, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, và hệ miễn dịch.

Cân bằng điện giải cũng hỗ trợ việc hấp thụ và duy trì sự cân bằng chất lỏng bên trong cơ thể, giúp cơ thể hoạt động một cách tối ưu. Nước dừa là một loại thức uống cung cấp năng lượng tốt với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc điểm nổi bật của nước dừa là hàm lượng đường và natri thấp hơn so với hầu hết các loại đồ uống thể thao.

Thay vào đó, nước dừa chứa nhiều kali, canxi và clorua. Mỗi 100ml nước dừa cung cấp khoảng 294mg kali và 118mg clorua, trong khi chỉ chứa 25mg muối và 5mg đường. Trong khi đó, các loại nước uống tăng cường năng lượng khác thường có nồng độ muối và đường cao hơn, đồng thời chứa ít kali và clorua hơn.

Làm đẹp da

Ngoài ra, nước dừa có nhiều tác dụng tích cực cho làn da. Cytokinin, một hợp chất tự nhiên có trong nước dừa, được biết đến với khả năng điều hòa tăng trưởng và phân chia tế bào, giúp da duy trì sự tươi trẻ và giảm lão hóa tế bào da. Hơn nữa, axit lauric trong nước dừa có khả năng làm dịu da và giảm viêm nhiễm, có lợi cho làn da nhạy cảm. Nước dừa cũng giúp cân bằng pH da, giữ cho da mịn màng và giữ nước, ngăn ngừa tình trạng da khô, thô ráp.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Nước dừa tươi, với hàm lượng kali và axit lauric cao, được cho là có tác dụng trong việc điều hòa huyết áp, đặc biệt là cho những người có cao huyết áp. Nghiên cứu cho thấy rằng người có hàm lượng kali thấp thường có nguy cơ cao huyết áp. Do đó, việc bổ sung kali thông qua nước dừa có thể giúp kiểm soát huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa

Nước dừa tươi chứa axit lauric, một chất dưỡng chất trong cơ thể chuyển hóa thành monolaurin. Monolaurin có khả năng kháng virus, ký sinh trùng và khuẩn. Uống nước dừa tươi có thể giúp chống lại các loại giun đường ruột, ký sinh trùng, virus có vỏ lipid và các bệnh nhiễm trùng đường ruột ở cả trẻ em và người lớn.

Giảm cân

Nước dừa tươi là một chất điện giải tự nhiên giúp tăng cường trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, tác dụng của nước dừa tươi rất tốt cho những người bị thừa cân. Nguyên nhân là vì loại nước này rất giàu triglyceride chuỗi trung bình, một dạng chất béo có thể giúp giảm cân.

Triglyceride chuỗi trung bình còn có khả năng tăng cường năng lượng, giúp hạn chế cảm giác đói hiệu quả hơn các dạng chất béo khác. Những chất béo đặc biệt có trong nước dừa tươi giúp duy trì trọng lượng cân đối cho cơ thể và giúp giảm cân.

Nước dừa được coi là một thức uống bổ dưỡng, với hương vị ngọt mát và tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu và giải độc, đồng thời cũng được sử dụng để trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc, suy nhược...Tuy nước dừa có nhiều lợi ích, nhưng không nên uống quá nhiều. Một người có thể uống khoảng 300-500ml mỗi ngày (tương đương 1-2 quả dừa), uống quá nhiều nước dừa có thể gây đầy bụng hoặc khó chịu cho một số người, và có thể dẫn đến tăng nồng độ kali trong máu, gây vấn đề về thận và tim mạch.

Vì vậy, hầu hết các bác sĩ tiết niệu khuyên nên uống nước dừa xen kẽ với các loại nước khác như nước khoáng và nước ép. Cũng cần lưu ý không uống nước dừa đã để bên ngoài quá lâu, vì nước dừa có tốc độ sản sinh vi khuẩn nhanh. Dù nước dừa có nhiều lợi ích, nên uống ở mức vừa phải và kết hợp cùng các loại nước khác để duy trì sự cân bằng dinh dưỡng và sức khỏe.

Diễm Quỳnh