Giảm chi phí sản xuất
Gia đình bà Dung trồng 600 gốc ổi và hàng trăm gốc táo, mít. Từ năm 2021 đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao, trong khi giá ổi lại xuống thấp khiến thu nhập từ ổi mang lại không đáng là bao, có thời điểm chỉ hoà vốn, công chăm sóc coi như “đổ sông, đổ bể”.
Bà Trương Thị Dung cho biết: “Giá phân bóng tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng, mỗi gốc cây ăn quả cũng phải đầu tư 500- 700.000 đồng phân bón, chế phẩm vi sinh để trừ sâu bọ. Nếu được mùa, mỗi gốc ổi cho thu hoạch 1 tạ/lứa, giá bán tại vườn cao nhất cũng chỉ được 7.000 đồng/kg, thì số tiền thu về cũng chỉ tương đương với chi phí bỏ ra”. Do đó, để tiết kiệm chi phí sản xuất, bà Dung tìm hiểu và tham gia lớp tập huấn về sản xuất phân vi sinh tại hộ gia đình. Công thức ủ phân vi sinh khá đơn giản, nguyên liệu để sản xuất phân vi sinh cũng dễ kiếm như: Rơm, rạ sau thu hoạch, rác hữu cơ, thân cây ngô, lạc, chuối… Ngay trước trại ổi nhà bà là kênh Nguyễn Văn Trỗi phủ kín bèo tây. Chỉ mất 15 phút dùng câu liêm ngoắc vào là bà có thể kéo được cả tấn bèo lên bờ rồi xử lý men ủ, sau 2 tháng là sẽ có phân vi sinh để bón. “Mỗi tấn phân vi sinh như vậy tính ra chỉ tốn từ 2,8-3 triệu đồng, trong khi nếu mua trên thị trường thì giá gấp 2-3 lần (khoảng 7-10 triệu đồng/tấn)” - bà Dung chia sẻ và hy vọng: Nhờ tiết kiệm được phần lớn chi phí đầu vào nên vụ ổi năm nay sẽ có lãi.
Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm phát triển cây ăn quả như cam, bưởi, táo, ổi…, lại có lợi thế khi trên địa bàn có nhà máy chế biến đường, có nhiều trang trại chăn nuôi, hàng chục năm nay, huyện Tân Kỳ có truyền thống ủ phân hữu cơ vi sinh để phục vụ trồng trọt.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Bình quân mỗi năm nông dân Tân Kỳ sản xuất được khoảng 4.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Tại nhiều địa phương việc sản xuất phân vi sinh không chỉ dừng lại ở mô hình, phong trào nữa mà trở thành việc làm thường xuyên trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như xã Tân Phú sử dụng bể ủ có hệ thống thông khí, mỗi năm sản xuất ra khoảng 1000 tấn phân vi sinh. Các xã khác như: Kỳ Sơn, Nghĩa Hoàn đã thành lập các tổ, hội hợp tác sản xuất phân vi sinh… Nhờ chủ động được nguồn phân bón, tự sản xuất ra phân bón với giá thành rẻ nên sản xuất nông nghiệp vẫn có lãi trong bối cảnh giá phân bón ngày càng tăng cao”.
Theo thống kê, bình quân mỗi năm nhu cầu tiêu thụ phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An khoảng từ 80 -90 ngàn tấn. Trong khi đó, lượng phân bón hữu cơ các doanh nghiệp trên địa bàn nhập khẩu và sản xuất chỉ đạt khoảng 5.000 tấn/năm; người dân tự sản xuất khoảng 6.000 tấn /năm. Trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có khoảng gần 1 triệu tấn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp phong phú về chủng loại và trữ lượng để làm nguyên liệu sản xuất phân bón sinh học. Đó là điều kiện hết sức thuận lợi để bà con nông dân ở đây triển khai nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ phục vụ trở lại sản xuất nông nghiệp.
Đa lợi ích
Chính vì vậy mà, “từ 2017 đến nay, gia đình tôi đã tự ủ phân vi sinh để bón cho các loại cây ăn quả trong vườn. Không những tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ để làm sạch vườn, sạch ruộng; tiết kiệm chi phí sản xuất mà nhờ phân vi sinh, hạn chế bón phân vô cơ nên đất vườn luôn tơi xốp, độ ẩm cao; đặc biệt, cho dù nắng hạn thì nhờ bón phân hữu cơ vi sinh nên các loại cây ăn quả vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao”, như chị Nguyễn Thị Mùi (xã Tân Phú, Tân Kỳ) cho biết.
Xây dựng mô hình thâm canh rau nhà màng theo hướng VietGAP, ông Ngô Sỹ Tiến (xóm Nam Xuân, xã Diễn Xuân, Diễn Châu) tự ủ hoai phân chuồng, ủ phân vi sinh để bón cho rau. Theo ông Tiến thì việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh do mình tự làm vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp cải tạo đất và rất thích hợp với sản xuất sạch. “Phân bón hữu cơ vi sinh do mình tự ủ rồi bón cho rau, vừa sạch, vừa an toàn lại đỡ chi phí. Với 800m2 đất, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 7-8 lứa rau, trừ chi phí vẫn còn lãi 100 triệu đồng. Đặc biệt, rau dễ tiêu thụ vì sản xuất sạch nên người dân ưa chuộng, giá bán cũng cao hơn”, ông Tiến cho biết.
Nếu như trước đây, kênh tiêu thoát nước Nguyễn Văn Trỗi ở xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu) luôn phủ kín bèo tây, gây ứ đọng, ách tắc dòng chảy, hàng năm, xã vẫn phải huy động toàn dân ra quân làm thuỷ lợi, trục vớt và đẩy bèo tự phân huỷ gây ô nhiễm môi trường thì từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ phong trào làm phân vi sinh mà bèo tây ở kênh Nguyễn Văn Trỗi được vớt sạch, trả lại cho lòng kênh sự thông thoáng tiêu thoát nước dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Bá Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Thạch cho biết: “Mô hình làm phân vi sinh được phát động từ đầu năm 2022, thí điểm tại 4 hộ trồng cây ăn quả ở làng Tràm và hiện người dân thấy hiệu quả nên dần dần nhân rộng ra các xóm khác. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại thì nhờ mô hình sản xuất phân vi sinh mà môi trường ở địa phương cũng được cải thiện. Nay, trên các cánh đồng, trên các bờ ruộng không còn chất đầy rau già, quá lứa; sau mỗi vụ lúa cũng không còn cảnh đốt đồng khiến khói bụi ô nhiễm, đất ruộng chai cứng; đặc biệt, ở các hệ thống kênh mương, năn, lác, bèo tây cũng được người dân cắt, trục vớt về ủ phân vi sinh”.
Từ hiệu quả thực tiễn của việc sản xuất phân vi sinh mang lại, hiện Hội Nông dân tỉnh đang xây dựng Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025”. Theo đó, mục tiêu đặt ra là, giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm nông dân toàn tỉnh sản xuất được ít nhất 50.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Từ đó, góp phần giảm chi phí sản xuất; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thu nhập của nông dân; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp; tăng độ phì nhiêu của đất. Đồng thời, hình thành các vùng, cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, sinh thái, bền vững và thân thiện với môi trường.