Hải Hậu tiên phong
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu chia sẻ: Năm 2018, khi triển khai mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã chọn xã Hải Lý (huyện Hải Hậu) là địa phương làm xã điểm, với 212 hộ tham gia mô hình.
Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 1 thùng phuy nhựa ủ rác hữu cơ có dung tích chứa gần 220 lít. Sau khi được tập huấn quy trình ủ rác hữu cơ thành phân bón, 100% các hộ tham gia mô hình đều bắt tay vào thực hiện.
Qua gần 2 tháng thử nghiệm ủ rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã cho kết quả rất tốt. Sản phẩm đầu ra là phân hữu cơ để bón cho cây trồng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm 1 phần kinh phí, vừa giảm 1 lượng lớn rác thải phải thu gom, vận chuyển và sức chứa của nơi tập trung rác thải.
Theo bà Hoa, ưu điểm của việc phân loại rác tại nguồn và xử lý làm phân bón hữu cơ là chi phí đầu tư thấp, cách thực hiện đơn giản. Rác sinh hoạt tự phân hủy, phế phụ phẩm nông nghiệp,… cho vào thùng ngâm ủ với men vi sinh, đậy nắp kín trong thời gian từ 30 - 40 ngày là có thể cho ra loại phân bón hữu cơ sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.
Qua thời gian triển khai mô hình, thói quen của người dân trên địa bàn xã Hải Lý thay đổi rõ rệt, lượng rác thải đưa ra khu xử lý tập trung giảm đi nhiều. Đường làng, ngõ xóm không còn tình trạng rác thải sinh hoạt, rác thải sau thu hoạch nông sản vứt bừa bãi như trước...
Từ khi thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, gia đình chị Nguyễn Thanh Dáng (xã Hải Lý) đã thay đổi thói quen vứt rác thải sinh hoạt ra vườn nên đảm bảo vệ sinh, tạo cảnh quan sạch đẹp cho gia đình.
Toàn bộ phân bón hữu cơ thu được, gia đình bón cho vườn cây ăn trái, rau xanh, nhờ đó vườn cây ít bị sâu bệnh phá hoại, tươi tốt hơn. Ngoài ra, sử dụng phân hữu cơ giúp gia đình chị tiết kiệm được 1 khoản chi phí mua phân bón hóa học.
“Hàng ngày, rác thải sinh hoạt như vỏ trái cây, thức ăn thừa, rau, củ, quả... tôi cho hết vào thùng. Khi rác dày khoảng 30cm, thì pha tỷ lệ men vi sinh phù hợp với nước và phun đều trên bề mặt để ủ thành phân bón”, chị Dáng thổ lộ.
Bà Nguyễn Thị Hoa thông tin: Đến nay, mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại hộ gia đình đã được triển khai ở 34/34 xã, thị trấn của huyện với hơn 38.400 thùng và hố có nắp đậy xử lý bằng men vi sinh. Nhiều xã có tỷ lệ hộ dân tham gia đông đảo từ 90 - 100% như xã Hải Thanh, Hải Phúc, Hải Quang, Hải Bắc...
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019 - 2025, toàn bộ 34/34 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện, vận động trên 1.800 hộ gia đình đăng ký tham gia xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu, sử dụng phân bón hữu cơ.
Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 6%
Nam Định là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp rất lớn, có thể tận dụng để làm phân bón hữu cơ với chi phí khá thấp như rơm rạ trong quá trình sản xuất lúa, chất thải từ quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Tuy nhiên, do còn thiếu thông tin và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý nên người dân chưa khai thác hết tiềm năng của những phụ phẩm này để biến thành các loại phân bón hữu cơ có chi phí thấp.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định chia sẻ, việc đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, giá trị như tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp; cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng giúp cây trồng phát triển cân đối, ổn định; hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ, tiết kiệm nước tưới; nâng cao chất lượng nông sản, hạn chế sâu bệnh hại trên cây trồng; tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích…
“Việc phát triển sản xuất phân hữu cơ quy mô nông hộ, trang trại, gia trại có thuận lợi là có thể tận dụng được lao động và nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật thực hiện đơn giản, dễ làm”, ông Chính thổ lộ.
Tuy nhiên, theo ông Chính, nhận thức về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ của các hộ nông dân còn hạn chế, thiếu nhân lực. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên chi phí cao, thời gian xử lý dài, hàm lượng dinh dưỡng thấp. Vốn, cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc… phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ còn hạn chế. Chi phí sản xuất, giá bán phân hữu cơ cao, cùng với khó khăn trong việc làm giấy chứng nhận lưu hành phân bón nên việc tiêu thụ phân hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn (đối với những cơ sở sản xuất lớn).
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu ngày càng thiếu do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi... khiến người dân chủ động giảm đàn. Người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác nên chưa kích thích được người dân sử dụng rộng rãi loại phân bón này cho cây trồng.
Theo tính toán, lượng phân bón các loại mà người dân sử dụng trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh Nam Định khoảng 165.000 tấn, trong đó 155.000 tấn phân bón vô cơ và 10.000 tấn phân hữu cơ các loại.
Đến nay, tỷ lệ phân bón hữu cơ mới chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng lượng phân bón sử dụng hàng năm của tỉnh, trong đó chủ yếu là phân hữu cơ vi sinh và một phần phân hữu cơ khoáng. Lượng phân bón hữu cơ được người dân tự ủ, tận dụng từ chất thải chăn nuôi hay phế phụ phẩm trong nông nghiệp chưa đáng kể.
Thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030”, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án là Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ và Bộ Tiêu chuẩn quốc gia có liên quan.