Nông sản Việt cần 'lột xác' để đón thời cơ tại thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường lớn trong nhập khẩu các sản phẩm nông lâm, thuỷ sản Việt Nam. Để thúc đẩy đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, các doanh nghiệp đã nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn cho những thị trường khó tính, tăng tốc những ngày cuối năm 2023.
nong-san-xuat-khau-2-1703553587.jpg
Dưa hấu là nông sản gần đây nhất được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Thời cơ cho nông sản Việt "đón sóng"

Đến thời điểm này đã có 14 loại nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Bao gồm: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào. Ngoài ra, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu biên mậu đối với 12 mặt hàng rau quả, sữa, 805 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với khoảng 11,5 tỷ USD trong 11 tháng của 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%.

nong-san-xuat-khau-1-1703553673.jpg
Nhiều Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Sở dĩ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm nay - với mức tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước, là nhờ nhiều Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022, giúp nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Mặt khác, Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid, giảm bớt và đi đến bãi bỏ các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ, giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của thị trường, đồng thời giúp quá trình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam; trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn.

Đáng chú ý, sầu riêng tươi là loại trái cây có giá trị kinh tế cao và rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, với kim ngạch xuất khẩu riêng mặt hàng này sang Trung Quốc trong 11 tháng đã đạt hơn 2,1 tỷ USD.

Cần tuân thủ các tiêu chuẩn để tránh "bẻ kèo"

Tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 13/12 nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững. Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương.

Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm.

Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy nhập khẩu các loại cá tầm của Trung Quốc, tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các tổ chức ngành nghề của hai bên, thúc đẩy các ngành nghề liên quan của hai nước phát triển lành mạnh.

nong-san-xuat-khau-3-1703553528.jpg
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tăng tốc để gia tăng kim ngạch xuất khẩu những ngày cuối năm.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) cho biết sẽ tiếp tục cùng Bộ Công thương, Bộ Y tế đồng hành với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để có thêm nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu.

Theo ông Hòa: "Sau 30/6/2023, các doanh nghiệp cơ bản đã tiến hành đăng ký cũng như có được hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý để cập nhật hồ sơ trên cổng thông tin điện tử của Hải quan Trung Quốc. Trong thời gian tới, Văn phòng SPS sẽ tiếp tục phối hợp với Hải quan Trung Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cập nhật hồ sơ, nếu còn vướng mắc gì sẽ phối hợp để giải quyết".

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới, với sản phẩm chất lượng, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng miền. Mới đây, 3 loại hàng là thủy hải sản ướp đá, động vật thủy sinh dùng làm thực phẩm và một số loại giống cây trồng vừa được phía Trung Quốc đồng ý làm thủ tục thông quan qua cầu Bắc Luân II, thuộc cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). Việc này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường và thúc đẩy đưa nông sản vào thị trường Trung Quốc cũng như các nước khác trên thế giới.

Nhận định về triển vọng của nông sản xuất khẩu thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng Trung Quốc thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán.

"Việt Nam có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu, từ đó giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường này. Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định của phía Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin./.

Trọng Đạt