Trong cuốn “Những môn võ bí truyền trên thế giới” có ghi lại màn đánh hổ của Võ Thị Vuông.
Câu chuyện đệ tử chân truyền của bà Trà đánh hổ
Cụ Võ Thị Trà có nhiều đệ tử, trong đó có 2 đệ tử chân truyền là anh em Võ Văn Ất (còn gọi là Hai Ất) và Võ Văn Giáp (Ba Giáp). Hai anh em có sở trường dùng trường côn. Thời ấy hổ hay về làng bắt gia súc và khiến người dân sợ hãi không dám ra ngoài. Nhiều người vì có việc phải ra ngoài cũng tránh khỏi đi những nơi hay có hổ lui tới.
Hai anh em ông Ất và Giáp có đến 10 lần đối mặt với hổ dữ. Lần đáng nhớ nhất là ở nơi Hố Ngỡi cạnh làng Tân Khánh (nay là Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên), hai anh em phải đối mặt với 3 con hổ dữ. Hai bên quần thảo suốt gần một canh giờ (tức gần 2 tiếng) thì 3 con hổ bị hạ sát.
Từ đó danh tiếng của hai người cùng môn võ trở nên nổi tiếng. Võ Tân Khánh – Bà Trà cũng được gọi là “môn võ đánh hổ”. Ngày nay bất cứ ai đến vùng này còn được nghe người dân kể lại câu chuyện đánh hổ của hai anh em ông Ất và Giáp, đặc biệt là câu chuyện đánh hổ ở Bàu Lòng như sau:
Xứ Bàu Lòng (Chơn Thành, Bình Phước) vốn hay bị hổ về làng bắt gia súc, người dân ra đồng khi nào cũng phải tập hợp trai tráng cùng cung tên có tẩm thuốc độc mới dám ra, dân làng nghe tiếng hai ông đánh hổ liền tìm mời về làng đuổi hổ.
Hai anh em ông Ất và Giáp về Bàu Lòng 3 hôm mà vẫn không gặp được hổ. Phải đến ngày thứ tư thì hổ mới xuất hiện. Hai anh em liền đến chặn hổ vào làng. Người dân trước đây chỉ nghe tiếng hai ông đánh hổ, nay ở trong nhà mở cửa tận mắt nhìn hai ông đối mặt hổ dữ. Con hổ gầm lên nhảy đến vồ ông Giáp. Ông tránh rất nhanh rồi xoay trường côn đâm mạnh vào hông hổ.
Con hổ quay lại tiếp tục vồ, ông Giáp dùng trường côn chống đỡ và đánh trả hổ. Con hổ gào thét khiến ai cũng sợ hãi, hai bên trao chiến đến độ tàn điếu thuốc thì con hổ hộc lên một tiếng vọt ra ngoài vòng chiến rồi nằm chổng vó lên trời. Cuộc chiến đến đây tưởng kết thúc và con hổ đã chết. Nhưng với người am hiểu về hổ thì biết rằng đây chính là miếng tổ của nhà hổ, gọi là thế “trâu vằn”, ai sơ ý mà đến gần là coi như toi mạng. Ông Giáp mặc hổ nằm đó chống trường côn để nghỉ.
Hổ nằm chờ một hồi nhưng không thấy đối thủ mắc bẫy thì gầm lên nhảy vào tấn công tiếp. Ông Giáp dùng trường côn đánh trả, cát bụi bay mù mịt. Hổ lại một lần nữa dùng thế “trâu vằn” nhử đối thủ, nhưng ông Giáp lại chống trường côn nghỉ. Hổ lừa không được, nhảy vào tấn công, hai bên tiếp tục quần nhau.
Lúc này ông Giáp bèn ra đòn hiểm, người dân nghe hổ rống lên thật to, nhảy ra khỏi vòng chiến và bỏ chạy. Dân làng lại giật mình nghe tiếng hổ rống to hơn nữa, thì ra ông Ất đã hạ được hổ. Ông Ất từ đầu không tham chiến mà chặn đường rút của hổ, đợi lúc hổ chạy đến thì dùng trường côn hạ sát hổ.
Từ đó người dân ở đây có câu “Cọp Bàu Lòng - Võ Tòng Tân Khánh” và xem Võ Tòng Tân Khánh giỏi hơn Võ Tòng bên tàu. Tiếng tăm hai anh em đánh hổ vang xa./.
Hổ phụ sinh hổ tử
Năm ông Hai Ất 40 tuổi thì sinh được cô con gái đặt tên là Võ Thị Vuông, và đem hết tài võ nghệ truyền lại cho con, đặc biệt là môn võ đánh hổ.
Lễ khai thị chợ Bến Thành. Năm 1912, chợ Bến Thành được hãng thầu của Pháp tên là Brossard et Maupin xây dựng, đến tháng 3 năm 1914 thì xây xong và tổ chức lễ khánh thành. Thời đấy lễ khánh thành chợ mới được gọi là lễ khai thị. Lễ hội vui chơi diễn ra suốt 3 ngày là 28, 29 và 30/3/1914 thu hút hơn 100.000 người Sài Gòn và các tỉnh lân cận đổ về.
Lúc này người Pháp ở Sài Gòn đã nghe danh tiếng đánh hổ của anh em ông Ất và ông Giáp, nhưng cũng bán tín bán nghi. Nhân dịp khai thị chợ Bến Thành, họ mời cả hai ông lên Sài Gòn đấu với hổ. Con hổ này được bẫy khi khai hoang đồn điền cao su ở miệt rừng rậm phía bắc Thủ Dầu Một.
Ông Ất lúc này đã 60 tuổi nhưng còn tráng kiện, ông không muốn đi mà quyết định để con gái mình là Võ Thị Vuông (còn gọi là Năm Vuông) mới ngoài 20 tuổi đi thay. Trước sự lo lắng của nhiều người, ông Ất chỉ cười và nói ông hiểu khả năng con gái mình, và nếu có gì bất trắc ông sẽ nhảy vào liền không để con mình bị hại.
Ngày khai thị, dân Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Kỳ nô nức đến chợ Bến Thành với nhiều lễ hội như múa lân, thao diễn võ thuật, âm nhạc; cùng nhiều hàng hóa như tơ lụa, thực phẩm, v.v.. Buổi tối lại có tổ chức xe hoa, bắn pháo hoa, cùng các loại đèn màu giăng khắp nơi. Người dân tập trung đông vui hơn tết. Nhiều hoạt động vui chơi như hát bội đều không có thu tiền./.
Hồi hộp cuộc đấu giữa cô gái trẻ và mãnh thú
Đến buổi xem màn đấu với hổ, ai cũng hồi hộp chờ đợi. Thế nhưng mọi người chuyển từ trạng thái hồi hộp sang ngạc nhiên lo lắng, bởi người đấu với hổ chỉ là cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi, còn người phương Tây thì tròn mắt ngạc nhiên không thể tin được. Võ Thị Vuông trong bộ quần áo nai nịt gọn gàng, mang theo ngọn lao có đầu bịt sắt nhọn tiến vào khu vực đấu với hổ dữ.
Hổ trông thấy mồi thì gầm lên rồi nhảy vào vồ cô gái, rất nhanh cô gải nhảy sang một bên tránh được, hổ vồ hụt mồi thì gầm lên xoay mình rất nhanh, đập đuôi rồi tấn công liên tiếp bằng móng vuốt, tát. Mãnh thú nhanh nhẹn nhưng thủ pháp cô gái còn nhanh hơn, nhảy qua, nhảy lại, lúc tiến lúc lùi, thủ pháp biến hóa khôn lường. Các đòn của mãnh thủ đều không trúng, nó gầm lên khiến người xem sợ hãi.
Biết sức mình không thể mạnh như hổ nên cô Năm Vuông dùng thủ pháp nhanh nhẹn tránh đòn nhằm tiêu hao sức hổ, khi thọc ngược ngọn lao để tránh hổ phủ, xoay sở liên tục tránh đòn của hổ, đồng thời mỗi khi hổ vồ hụt thì dùng cây lao đâm vào khiến hổ chảy máu và dần xuống sức.
Qua mấy giờ giao đấu, người và hổ đều nhuộm đỏ máu. Ở bên ngoài có người lo lắng hỏi ông Hai Ất rằng con ông có sao không, nhưng ông chỉ mỉm cười. Con hổ dần dần cũng kiệt sức, biểu hiện chậm chạp hơn trước. Lúc này cô gái mới ra tay nhắm vào yết hầu con hổ mà ra đòn chính xác hạ gục mãnh thú. Lúc đó cũng đã đến 12 giờ trưa.
Màn giao đấu này được xem là kinh điển trong cuộc đấu giữa người với hổ trong làng võ thuật, được ghi lại trong cuốn sách “Những môn võ bí truyền trên thế giới” nguyên tác tiếng Anh của tác giả John F. Gilbey.
Ngày nay ở cạnh làng võ Tân Khánh - Bà Trà có địa danh “Truông Bà Năm Vuông” (trước đây rừng rậm được gọi là Truông). Đây là nơi bà Năm Vuông đánh hổ ở chợ Bến Thành khi xưa từng đánh tan một toán cướp cạn bằng cây đòn gánh trên tay./.