Trung Quốc xây kho lạnh và cơ sở chế biến sầu riêng tại thành phố Sùng Tả

Dù mới được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 9/2022, nhưng sầu riêng Việt Nam đã nhanh chóng được thị trường này ưa chuộng. Hiện, Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng kho lạnh bảo quản và các cơ sở chế biến tại thành phố Sủng Tả, cách biên giới với Việt Nam khoảng 100km.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đã làm thủ tục thông quan cho hơn 1.600 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn.

Trong đó, riêng tháng 5/2023 đã đạt trên 17.500 tấn. Điều này cũng được ghi nhận tại các cửa khẩu đường bộ của Trung Quốc, đặc biệt là Hữu Nghị Quan và Đông Hưng ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

trung-quoc-1686804613.jpg
Ông Nông Úy Bằng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xuyên biên giới thuộc Ban Quản lý Khu vực Sùng Tả của Khu Thương mại Tự do Thí điểm Quảng Tây Trung Quốc. Ảnh: VOV

Ông Nông Úy Bằng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xuyên biên giới thuộc Ban Quản lý Khu vực Sùng Tả của Khu Thương mại Tự do thí điểm Quảng Tây Trung Quốc, nơi có cửa khẩu Hữu Nghị Quan cho biết, tình hình nhập khẩu sầu riêng Việt Nam năm nay tương đối khả quan. Theo thống kê, 95% sầu riêng nhập từ Việt Nam là qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Với quy trình hẹn trước 24 giờ và dành riêng một số điểm kiểm tra chuyên dụng, chúng tôi có thể đảm bảo sầu riêng Việt Nam và các loại trái cây khác, như thanh long, dừa, nhãn, vải, dưa hấu được thông quan nhanh chóng.

Theo bà Trần Hiểu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ cửa khẩu Đông Hưng, sầu riêng của Việt Nam mới được nhập khẩu qua Trung Quốc từ năm ngoái, chủ yếu ở cầu Bắc Luân 2 và một số chợ biên giới. Do mới nhập nên hiện nay lượng sầu riêng của Việt Nam tương đương với Thái Lan. Tuy nhiên, với xu thế này tại cửa khẩu Đông Hưng, sầu riêng Việt Nam có thể vượt Thái Lan, do nhu cầu trong nước tương đối lớn.

Được biết, ngoài đường bộ, sầu riêng Việt còn được nhập vào Trung Quốc qua đường sắt và đường biển.

Chị Lương Lệ Thủy, Trưởng nhóm kinh doanh của Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây cũng cho biết, kể từ khi cảng Khâm Châu được phê duyệt đủ điều kiện nhập khẩu trái cây vào năm 2017, các loại hoa quả nhập khẩu qua đây đã từ một vài loại nâng lên thành nhiều loại, gồm cả sầu riêng, mít, thanh long...Cảng Khâm Châu đã thiết lập một tuyến vận tải nhanh dành riêng cho trái cây, hiệu quả thông quan tổng thể rất cao, về cơ bản thực hiện được kiểm tra và thông quan trong cùng một ngày.

Ghi nhận cho thấy, dù đã thu hoạch được khoảng 50 tấn ở đảo Hải Nam trong tháng 6 và đang trồng hàng loạt ở Quảng Tây, Hải Nam…, song Trung Quốc vẫn đang xem xét tiếp tục mở rộng thị trường nhập khẩu sầu riêng từ Philippines, Campuchia và có thể cả Indonesia trong tương lai.

ong-khoa-1686732000.jpg
Ông Lưu Nghiệp Khoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển thành phố Sùng Tả. (Ảnh: VOV)

Do nhu cầu nhập khẩu sầu riêng tươi hiện vẫn khá lớn, theo ông Lưu Nghiệp Khoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển thành phố Sùng Tả, Trung Quốc đang tập trung xây dựng một khu kho lạnh kết hợp chế biến tại đây, nơi chỉ cách biên giới với Việt Nam gần 100km.

Ông Khoa cho rằng, thương mại hoa quả, đặc biệt sầu riêng là một mảng rất quan trọng trong các loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Sùng Tả. Để tăng thương mại xuất nhập khẩu trái cây, thành phố Bằng Tường thuộc Sùng Tả đang xây dựng khu công nghiệp hậu cần. Trong đó, Sùng Tả sẽ thiết lập một số cơ sở chuỗi lạnh, kho chứa, bán buôn bán lẻ. Ngoài cơ sở này còn có các khu chế biến để nâng cao giá trị và chất lượng đầu ra.

Đầu tư trong giai đoạn I cho cơ sở này sẽ vào khoảng 1,8 tỷ DNT (254 triệu USD) và thời điểm đưa vào sử dụng dự kiến là khoảng năm 2025. Hiện, chính quyền Sùng Tả và Quảng Tây đang cùng phía Việt Nam bàn bạc cùng nhau phát triển cơ sở này, ông Khoa cho biết thêm.

sau-rieng-1674724686-1686804714.jpg
Tại Trung Quốc, sầu riêng đang là món hot trend - món yêu thích của giới trẻ. Ảnh: Tạp chí Thương hiệu và Công luận

Ðể khai thác tốt thị trường Trung Quốc thời gian tới, Vụ trưởng Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) Trần Quang Huy cho biết, cần theo sát diễn biến thị trường Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn hiện nay Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao ở hầu hết các lĩnh vực. Ðiều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra các yêu cầu cao hơn với tiêu chuẩn hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Ðây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa phải thay đổi và thích ứng. Theo đó, nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc. Ðồng thời tiếp tục phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định; tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc, hạn chế thấp nhất nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.

Ánh Dương (t/h)