Chuyển đổi số là cơ hội cho xuất khẩu Sầu riêng Việt Nam vượt Thái Lan

Gần đây nhiều thông tin cho thấy nông sản Việt Nam đang cạnh tranh với Thái Lan tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng. Đây cũng là cơ hội lớn cho sản phẩm sầu riêng của Việt Nam xuất ngoại.
sau-rieng-1685526257.jpg
Chuyển đổi số là cơ hội cho xuất khẩu Sầu riêng Việt Nam.

Khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, người quan tâm nhất việc này không phải là người tiêu dùng Trung Quốc mà chính là doanh nghiệp Thái Lan.

Thái Lan có mối quan hệ làm ăn lâu năm với Trung Quốc. Hằng năm, quốc gia này nhập 4 tỉ USD sầu riêng thì Thái Lan chiếm 2/3, thậm chí 3/4 thị trường. Trong khi sầu riêng Việt Nam trước nay đều bán qua trung gian Thái Lan, từ Thái Lan qua Trung Quốc. Do đó, khi có thông tin Việt Nam xuất sang Trung Quốc, doanh nghiệp Thái Lan lo lắng.

Đặc biệt, khi sầu riêng Việt Nam có giấy phép thông hành, chỉ trong hai tháng đã xuất khẩu được 396 triệu USD, lúc này Thái Lan chuyển hướng không sản xuất theo số lượng mà tập trung vào chất lượng.

Cụ thể, khi các vựa sầu riêng thu hoạch, cơ quan kiểm dịch chất lượng đến tận nơi kiểm tra ngẫu nhiên trong lô hàng đó. Họ truyền thông mạnh mẽ đến thị trường Trung Quốc và người dân nước này tin tưởng chất lượng nên giá cả sầu riêng Thái Lan cao hơn Việt Nam.

Trong khi đó, truyền thông Việt Nam đưa ra thông tin tiêu cực về sầu riêng với việc giả mạo mã số vùng trồng, giả mạo mã số đóng gói… Điều này khiến khách hàng Trung Quốc có sự so sánh lớn.

Tháng 8-2022, sầu riêng Việt Nam mới được cấp phép xuất khẩu trong khi Thái Lan đã làm ăn lâu năm. Tuy vậy, Việt Nam vừa cấp thêm các mã vùng trồng là tín hiệu tốt. Cùng với các lợi thế vị trí địa lý gần, giá cả… sầu riêng Việt Nam dần dần sẽ vượt qua Thái Lan.

Trong khi đó, ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham), cho biết cũng rất lo ngại về những điều trên. Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư, khi đến VN họ không nghĩ như dư luận đang lo.

Nếu lo ngại cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan ở Trung Quốc thì hãy để doanh nghiệp Việt sẽ là doanh nhân phân phối. Giống như trước đây Việt Nam đã bán sầu riêng cho Thái Lan, sau đó họ bán qua Trung Quốc hay ra khắp thế giới. Tuy nhiên, trong kinh doanh thì lợi nhuận ở khâu phân phối chứ không phải trồng trọt, sản xuất.

Kinh tế xanh, nông nghiệp xanh là xu hướng trong tương lai. Hiện nay các nhà nhập khẩu chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng. Tuy nhiên, DN Việt muốn duy trì mạch phát triển xuất khẩu phải đầu tư ngay chứ không đợi họ ra luật mình làm sẽ rất chậm, mất nhiều cơ hội.

Đại diện Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương, trong quá trình phát triển, sở này nhận thấy chưa có quy trình bài bản mà các đơn vị liên kết tự phát. Do đó, ngành công thương Cần Thơ đặt ra vấn đề không thể đi một mình nên đã liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, hiện nay hàng hóa tiểu ngạch hầu như khó khăn để xuất khẩu vì phía Trung Quốc quản lý chặt chẽ hơn. Tất yếu doanh nghiệp phải xuất khẩu chính ngạch, nghĩa là sản phẩm cần có chứng nhận mã vùng trồng, mã đóng gói, truy xuất nguồn gốc…

Vai trò của doanh nghiệp đầu tàu quan trọng không chỉ hướng dẫn cho bà con sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu mà còn là vấn đề văn hóa giao dịch, thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, bà con tuân thủ theo quy trình nhất định vì liên quan đến cam kết, hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm…