Trung Quốc nỗ lực kiểm soát tác động từ cuộc khủng hoảng của Evergrande

Khi tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc tái cơ cấu quy mô với sự hậu thuẫn của chính phủ, chính phủ nước này đang nỗ lực hạn chế những tác động từ cuộc khủng hoảng của tập đoàn này đến nền kinh tế.

Khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc bắt nguồn từ các biện pháp mà chính phủ nước này thực hiện vào năm ngoái nhằm kiểm soát nợ của các công ty trong lĩnh vực này cũng như nạn đầu cơ gia tăng.

Evergrande, tập đoàn hiện diện tại trên 280 thành phố ở Trung Quốc, chịu tác động lớn nhất từ sự kiểm soát của chính phủ.

Với số nợ trên 300 tỷ USD, Evergrande đứng bên bờ vực vỡ nợ trong những tháng qua, nhưng đã tránh được nhờ các khoản thanh toán vào phút chót.

Tuy nhiên, Bloomberg đưa tin tập đoàn này đã bỏ lỡ 30 ngày ân hạn thanh toán số lợi suất trái phiếu trị giá 82,5 triệu USD, trong khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cho rằng nguy cơ vỡ nợ hiện là không tránh khỏi.

Sau khi Evergrande tuần trước cảnh báo không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính, chính quyền Quảng Đông, nơi tập đoàn đặt trụ sở, đã triệu tập Chủ tịch Hui Ka Yan, và cho biết sẽ cử nhóm làm việc đến tập đoàn.

hang-dai-1638979161.jpeg

Các nhà phân tích cho rằng thời điểm đó đánh dấu sự khởi đầu chính thức của một cuộc tái cơ cấu nợ của Evergrande, một quy trình sẽ mất nhiều năm.

Những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẽ giữ một vai trò lớn hơn trong tương lai của Evergrande đã làm dịu bớt lo ngại của nhà đầu tư về nguy cơ phá sản có kiểm soát.

Tuy nhiên, các chủ nợ có thể đối mặt với việc giá trị trái phiếu sẽ giảm và việc tái cơ cấu giải quyết định một số vấn đề, những tác động từ chính sách kiếm soát lĩnh vực bất động sản của chính phủ sẽ vẫn tiếp tục.

Ít nhất 10 công ty bất động sản đã vỡ nợ kể từ khi những lo ngại Evergrande bắt đầu gia tăng hồi tháng Sáu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) tuần trước cho rằng các vấn đề của Evergrande là do những yếu kém về quản lý và việc mở rộng hoạt động quá mức của tập đoàn này.

Các nhà chức trách khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, trong khi cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm nhấn mạnh cần tập trung đáp ứng nhu cầu vay thế chấp cho người mua nhà lần đầu.

Đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự giảm tốc của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc với đóng góp lớn trong GDP của nước này cũng có thể gây ra những tác động.

Những vấn đề của Evergrande đã gây biến động trên các thị trường tài chính.

Tuy nhiên, nguy cơ vỡ nợ của Evergrande đã được nhận định từ lâu và những lo ngại về một “khoảnh khắc Lehman”, vụ phá sản của tập đoàn trên phố Wall đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã được đẩy lùi./.