Cụ thể, văn bản về việc quy phạm hành vi kiếm lời từ phát trực tiếp (livestream) trên nền tảng mạng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành này vừa được Cơ quan quản lý không gian mạng, Tổng cục Thuế vụ Quốc gia và Tổng cục Giám sát Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc phối hợp ban hành.
Theo đó, các cơ quan này sẽ truy quét tội phạm trốn thuế trong ngành công nghiệp phát trực tiếp đang bùng nổ và sẽ bắt đầu yêu cầu các nền tảng trực tuyến báo cáo danh tính, thu nhập và lợi nhuận của những người phát trực tiếp 6 tháng một lần.
Cơ quan này nhấn mạnh, các nền tảng và những người phát trực tuyến cần cạnh tranh công bằng và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Theo STA, những năm gần đây, lĩnh vực phát trực tuyến đóng vai trò quan trọng giúp tạo việc làm linh hoạt.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề nảy sinh xung quanh lĩnh vực livestream như các nền tảng phát trực tuyến quản lý lỏng lẻo, hành vi tiếp thị hàng hóa không đạt chuẩn, nạn trốn thuế, dẫn đến sự phát triển thiếu lành mạnh của ngành này cũng như tổn hại đến công bằng xã hội.
Phát trực tiếp đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, với hàng triệu người có ảnh hưởng đang hoạt động trên các kênh như Douyin, TikTok, Kuaishou và các nền tảng video ngắn khác, nơi họ có thể chia sẻ về các chủ đề như lối sống, ẩm thực, trò chơi và du lịch.
Trước đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã xử lý một số đối tượng trốn thuế, nhất là những người bán hàng qua livestream.
Theo đóm tháng 12 năm ngoái, Vi Á (Viya) được xem là nữ hoàng livestream tại Trung Quốc đã bị phạt 1,34 tỷ Nhân dân tệ (211 triệu USD) vì che giấu thu nhập cá nhân và nhiều hành vi khác trong năm 2019 và 2020.
Đầu tháng 3 năm 2022, cơ quan giám sát không gian mạng của Trung Quốc cũng cảnh báo trong năm nay sẽ đưa một số công ty quản lý những người có tầm ảnh hưởng đối với truyền thông xã hội “vào tầm ngắm”.