Ngoài phục vụ sản xuất ethanol, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao bởi ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine.
Hiện, hơn 95% lượng tinh bột sắn của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên hơn 65% sản lượng xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, giao hàng qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.
Do nhu cầu tăng cao nên từ cuối tháng 3, giá sắn lát có xu hướng tăng trở lại tại hầu hết các tỉnh. Giá tinh bột sắn thành phẩm tăng từ 100 - 200 đồng/kg. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970.000 tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng gần 16% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Quốc Doanh, trong những năm qua, vai trò của cây sắn đã lớn mạnh vượt bậc, sắn không chỉ dừng lại ở cây “xóa đói giảm nghèo”, mà đã trở thành loại cây hàng hóa. Tuy là loại cây trồng "bình dân", nhưng sắn (củ mì) lại mang lại giá trị kinh tế rất lớn, là 1 trong 13 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tinh bột sắn và sắn lát khô, chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Philippines…
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là trị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay trên 65% sản lượng săn xuất khẩu theo hình thức biên mậu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai nên thiếu tính bền vững, rủi ro cao.
Do đó, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu sắn lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249 nên việc xuất khẩu sắn sang thị trường này không dễ như các năm trước, doanh nghiệp Việt cần quy hoạch vùng trồng, đẩy mạnh chế biến sâu và chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng yêu cầu quy định tại 2 lệnh nói trên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thị trường Trung Quốc rất tiềm năng nhưng đã khắt khe rất nhiều.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn của các thị trường thành viên RCEP sẽ không chỉ đối diện với việc mất thị trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới cả một ngành sản xuất.
Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Mặt khác, cần tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm sắn của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường.