Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói gì trước Quốc hội?

Một số vấn đề và giải pháp tháo gỡ đã được Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời trực tiếp trong ohiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 15/8.
bo-truong-1692089095.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 15/8.

Trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề, bao gồm: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...); Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; và Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Về giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với khai thác thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mặc dù tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả quan trọng được EC ghi nhận đánh giá cao, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa gỡ được Thẻ vàng.

Nguyên nhân là do tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép (IUU) vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến 8/8/2023 tiếp tục xảy ra 26 tàu, 166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, đặc biệt là nhập khẩu còn nhiều tồn tại, bất cập, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC. Việc xử lý các hành vi khai thác IUU còn hạn chế.

Để tháo gỡ Thẻ vàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số giải pháp cụ thể như: Thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã và đang tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp, bảo đảm nguồn lực, đồng thời kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Liên quan vấn đề bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) và xuất khẩu lúa gạo đến năm 2030, báo cáo nêu rõ, việc giữ diện tích đất trồng lúa là 3,5 triệu ha đến năm 2030 theo kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020, Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021, Nghị quyết số 39/2021/QH15 thì diện tích gieo trồng lúa là khoảng 7,0 triệu ha sẽ cho sản lượng khoảng 43 triệu tấn thóc/năm, tương đương với 27-28 triệu tấn gạo.

Trong khi đó theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia , làm giống ...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm, chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc (tương đương 7-8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu.

Bên cạnh lượng sản xuất hàng năm thì hàng năm còn nhập khẩu. Lượng nhập khẩu từ Campuchia đạt khoảng trên 1 triệu tấn/năm, có thể bù đắp trong trường hợp cần thiết. Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi nên việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả. Như vậy, về tổng thế ở cấp độ quốc gia vấn đề an ninh lương thực nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo.