Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi hoàn cảnh

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu tại TP.HCM và phía Nam bị gián đoạn.

Theo Bộ Công Thương, giữa tháng 10 vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số khu vực, nguyên nhân bởi khan hiếm nguồn cung trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài.

Cùng đó là do biên độ dao động của giá xăng dầu lên xuống thất thường gây rủi ro cho doanh nghiệp; các loại chi phí định mức, tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa được cập nhật để phản ánh được thực chất và đầy đủ; hạn mức tín dụng thấp và tỷ giá đồng đô la liên tục tăng cao gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

xang-dau1-1666633078.jpg
Doanh nghiệp xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chi phí

Khó khăn chồng chất đối với các doanh nghiệp xăng dầu

Tại cuộc họp, đưa ra những khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh, cho tới thời điểm này, có thể khẳng định sức chịu đựng của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối rất kiên cường bởi những vấn đề xảy ra trong năm 2022 mang tính chất rất dị biệt.

Về nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa bàn, đặc biệt là Quý 3/2022, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trước hết, về mặt khách quan, theo quy định của Nghị định 95, các doanh nghiệp đầu năm đăng ký theo sản lượng trung bình hoạt động của năm trước. Trong khi đó, năm 2021 và 2020 lại là năm diễn ra đại dịch nên sản lượng sụt giảm.

Thứ hai, do tình hình địa chính trị, giá thế giới biến động rất lớn, mang tính chất dị biệt nên không có chính sách nào có thể bao phủ để kịp thời thích ứng với biến động giá cả và tình hình địa chính trị thế giới trong năm 2022.

Chi phí thứ 2 là chi phí tạo nguồn, là các chi phí đã được quy định tại các Nghị định 83, 95. Chi phí này bao gồm: giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong Quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2000 tỷ đồng. Đây chính là lý do các doanh nghiệp rất ngần ngại vì lỗ rất lớn.

Thời gian tới, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đối với khối lượng xăng dầu Bộ giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong Quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.

Do đó, ông Bùi Ngọc Bảo kiến nghị, để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: Lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, với góc độ, trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ đã nỗ lực cùng với các doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ ngành, cao hơn nữa là đề xuất với Chính phủ những gì chính đáng và phù hợp với thực tế. Đơn cử, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề xuất với Bộ Tài chính, đồng thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá nên tháng 10 vừa qua, premium, phụ phí vận chuyển từ Nghi Sơn và Bình Sơn đã được diều chỉnh. Đối với chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, đã điều chỉnh từ 10/7, nhưng sau 3 tháng đã tăng rất cao và Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đề xuất.

bct-1666633128.jpg
Bộ Công Thương tổ chức họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Đối với các địa phương, Bộ Công Thương cũng muốn các doanh nghiệp phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vì điều hành, quản lý xăng dầu là trách nhiệm chung nên nếu ai cũng làm đúng chức trách thì việc quản lý sẽ tốt hơn.

Thứ trưởng đánh giá, vừa qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã làm tốt việc tổng hợp các ý kiến và đại diện cho các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam. Do đó, Bộ mong Hiệp hội nhanh hơn, kịp thời hơn và kiến nghị với chức năng nhiệm vụ của Bộ ngành nào thì gửi đích danh cho bộ ngành đó. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, các bộ ngành khác để giải quyết, hoặc đề xuất kiến nghị lên Chính phụ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có sự chia sẻ với nhau và với các doanh nghiệp trong hệ thống của mình để giảm bớt khó khăn cho các thương nhân phân phối, đại lý, tổng đại lý. Bởi thực tế, các doanh nghiệp đều đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khuôn khổ buổi họp, đánh giá từ tình hình, kết quả, nguyên nhân trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, trong thời gian tới, các doanh nghiệp đầu mối, các cơ quan chức năng thực hiện các nhiệm vụ.

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cần phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh, phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các doanh nghiệp nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất cần phải chuyên nghiệp và áp dụng kỷ luật khắt khe hơn với doanh nghiệp đầu mối để kế hoạch sản xuất và kế hoạch phân phối phải ăn khớp với nhau, tránh tình trạng ký hợp đồng xong để đấy.

Thứ hai, đây là mặt hàng chiến lược, mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên trong mọi tình huống dù giá cao, giá thấp, dù rủi ro cao hay thấp, chúng ta đều phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó là bảo đảm cung ứng đầy đủ sản lượng được phân giao từ đầu năm, bổ sung điều chỉnh trong tháng 2 và kế hoạch điều chỉnh tháng 10.

Thứ ba, các doanh nghiệp đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao của Bộ. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối, kể cả các thương nhân phân phối phải bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định, bảo đảm lượng nhưng phải bảo đảm đúng quy trình.

Thứ tư, các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối sẽ phải triển khai ứng dụng phần mềm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, kết nối từ Bộ Công Thương đến với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối nhằm minh bạch hóa thông tin, thuận lợi hóa trong quản lý lưu thông và bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2023.

Thứ năm, các doanh nghiệp đầu mối, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn đang diễn ra.

Thứ sáu, đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan để làm rõ nguyên nhân, lý do tác động đến thị trường cung ứng xăng dầu của cả nước...

Hương Lan (t/h)