Trồng cà phê kết hợp bảo vệ rừng giúp nông dân tăng 40% thu nhập

Dự án “Cà phê nông lâm kết hợp” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ giúp tăng trung bình 40% thu nhập cho khoảng 2.000 nông hộ trồng cà phê tham gia chuyển đổi, tương ứng khoảng 2.500ha.
ca-phe-quang-tri-01-1715571814.jpg
Cà phê là cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Quảng Trị. (Ảnh minh họa)

Tính đến nay, Quảng Trị có khoảng 8 nghìn hộ trồng cà phê với tổng diện tích gần 4 nghìn ha, trải dài trên địa bàn 10 xã của huyện Hướng Hóa, bắt đầu từ vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, khu vực giáp ranh với rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đến vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, cà phê là cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Quảng Trị, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê hiện nay được canh tác theo phương thức độc canh trên độ dốc tương đối cao, không bền vững và không có hệ thống tưới tiêu nên năng suất cà phê ngày càng giảm, tác động đáng kể đến thu nhập của người dân. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế. Diện tích cà phê già cỗi tăng cao làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ; các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều điểm yếu...

ca-phe-quang-tri-03-1715571850.jpg
Dự án sẽ giúp các nông hộ trồng cà phê chuyển đổi từ canh tác cà phê đơn canh sang nông - lâm kết hợp. (Ảnh minh họa)

Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển bền vững cây cà phê, các dự án “Cà phê nông lâm kết hợp” đang được triển khai hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, tại TP Đông Hà, Sở NN&PTNT Quảng Trị phối hợp với dự án PFFP do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) vừa tổ chức tham vấn các bên liên quan để triển khai lập bản đồ rừng tự nhiên tại 3 xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa).

Dự án PFFP được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt theo quyết định số 1928/UB- UBND ngày 28 tháng 8 năm 2023. Mục tiêu của dự án là sau 4 năm thục hiện sẽ giúp các nông hộ trồng cà phê chuyển đổi từ canh tác cà phê đơn canh sang nông - lâm kết hợp thông qua việc trồng thêm các loài cây che bóng đa mục đích.

Dự án kỳ vọng sẽ giúp tăng trung bình 40% thu nhập cho khoảng 2.000 nông hộ trồng cà phê tham gia chuyển đổi, tương ứng khoảng 2.500ha. Ngoài ra, dự án đặt mục tiêu hỗ trợ cho các chủ rừng tại 6 xã của huyện Hướng Hóa nằm trong hành lang đa dạng sinh học kết nối với 2 khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa và Đakrông để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, đặc biệt là tập trung những diện tích bị tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người.

ca-phe-quang-tri-02-1715571799.jpg
Cà phê nông lâm kết hợp gắn trồng cà phê với bảo vệ rừng. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, dự án đang ưu tiên làm việc với các chủ rừng tại 3 xã Hướng Phùng, Hướng Việt và Hướng Lập của Huyện Hướng Hóa. Buổi tham vấn nhằm đánh giá lại thực trạng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng thuộc 3 xã khảo sát.

Tại buổi tham vấn, các đại biểu đã thảo luận nhằm lập bản đồ rừng tự nhiên đang quản lý bởi các chủ rừng thuộc 3 xã khảo sát liên quan đến những diện tích bị tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và các hoạt động con người. Qua đây sẽ cung cấp các thông tin khu vực can thiệp phục hồi rừng dựa vào việc thu thập và phân tích các thông tin để có cơ sở cho việc lập kế hoạch can thiệp của dự án.

Mục tiêu của Quảng Trị trong thời gian tới là duy trì và ổn định 5.000ha; đến năm 2026 có ít nhất 1.000ha cà phê được tái canh, trong đó có 50ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; phát triển 60ha cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đến năm 2030, Quảng Trị quyết tâm hoàn thành tái canh cà phê già cỗi bằng bộ giống cà phê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Đây là một trong những điều kiện lý tưởng để thực hiện dự án cà phê nông lâm kết hợp tại Quảng Trị./.

 

Bình Nguyên