Trở về nơi biên ải, bài thơ nhiều cảm xúc của tôi

Năm 1976 hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang sát nhập. Từ 1976 đến tháng 2/1979 tỉnh lỵ Hà Tuyên đóng ở Thị xã Hà Giang.
deo-ma-pi-leng-ha-giang-1643611409.jpg
Đèo Mã Pí Lèng nối Đồng Văn và Mèo Vạc

Từ tháng 2/1979 đến 1990 khi Trung Quốc gây chiến tranh đánh phá Việt Nam, tỉnh lị Hà Tuyên rời về thị xã Tuyên Quang. Đến năm 1991, sau 15 năm sáp nhập, hai tỉnh tách ra về vị trí cũ: Hà Giang, Tuyên Quang

Với cương vị Lãnh đạo Công Ty Cấp Thoát Nước. Tôi được giao điều hành giải quyết vấn đề cấp nước phục vụ sinh hoạt và chiến đấu cho các huyện, thị trong toàn tỉnh.

Mỗi tháng 30 ngày mình có 15 ngày chỉ đạo cấp nước ở hai thị xã, còn 15 ngày công tác tại các huyện biên giới của tỉnh: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Thời gian và công việc cho mình có điều kiện tiếp xúc với dân và đến với hầu như gần hết các xã biên giới: Cốc Pài, Nà Trì, Chí Cà, Bản máy, Xín Chải, Lao Chải, Xín Cái, Sơn Vĩ, Lũng Cú, Ma Lé, Sủng Là, Bạch Đích, Thắng Mố, Cao Mã Pờ, Bát Đại Sơn...

Sống mười năm nơi vùng biên ải. Cảm được cái tình, nghị lực của người dân vùng cao thấm cái đói, cái rét, cái khát nơi vùng núi cực bắc tổ quốc. Giờ nói, kể ra chẳng ai tin: là Giám đốc công ty cấp nước mỗi ngày sản xuất cấp ra 20.000 mét khối nước, vậy mà bữa tối trước khi đi ngủ chén nước vừa uống vừa xúc miệng vệ sinh răng, ngày hè 15 ngày trên các tuyến đường vùng cao, về đến thị xã Hà Giang anh em mới được tắm giặt.

Mười năm chưa bao giờ để ý đến hoa Tam Giác Mạch. Lúc đó làm gì có họp chợ tình Khau Vai. Dẫn đoàn khảo sát hội nghị nước vùng cao từ cầu Tràng Hương leo đèo ngược Mã Pí Lèng toàn đá. Đêm ngủ ở bản Mông ngập tràn mùi mồ hôi áo Tà Pủ và mùi men rượu phảng phất.

Những phiên chợ bám theo anh trai Mông cắp nách con lợn, con gà, túi Mận xuống chợ, uống ké bát rượu, ăn bát Thắng Cố. Thấy đời lên tiên. Thổi thử cái khèn: Chà khó đấy! Thằng bạn Mông nó bảo: thổi như mày ma nó về!

Năm 1988 mình không phải lên các huyện vùng cao nữa. Năm 1992 mình rời Hà Tuyên về Hà Nội. Chốn phồn hoa không hiểu tại sao cứ bàng bạc. mông lung. Bao thứ ăn vào mà sao không thấy đói, thấy ngon. Mặc cái gì vào người cũng chẳng thấy đẹp. Không bao giờ thấy rét, thấy thèm bếp lửa ấm như ngày xưa.

Gặp ai cũng cười mà sao khó gần, ít người mời về nhà cho ngủ đêm như vùng cao. Khách đến nhà còn phòng ngủ, vẫn mời ra khách sạn. Tiếp nhau ở nhà hàng, với rượu Tây, không có rượu men lá tự nấu. Đầy đủ vật chất với tiện nghi mà sao cứ thấy thiếu vắng cái gì?

Năm 2004, sau 16 năm xa cách, mình và hai ông bạn thơ bạn báo: Trương Vĩnh Tuấn và Kim Quốc Hoa trở lại Hà Giang. Đưa bạn đi lại con đường mình đã đi, gặp lại những người bạn mình ngày trước.

Gặp lại đá, gặp lại gió, gặp lại điệu khèn gọi bạn, ghé miệng nhấp chung bát rượu ngô, ngửi mùi khói thơm chảo Thắng Cố! Lao xao tiếng chợ phiên. Tiếng bò rống, tiếng ngựa hí dồn móng. Mình biết mình vẫn là người của vùng cao thôi.

Đêm đó tại nhà khách Huyện Uỷ Đồng Văn, không sao ngủ được. Mình ra đường, ngồi nhìn các em đi chợ sớm. Nghe tiếng khèn trao mời gọi nhau. Đêm se lạnh, chỉ có tiếng gió giật rát khoảng trời đêm biên ải. Mình nhớ bạn, nhớ tuổi xuân của mình, mình viết bài thơ: TRỞ VỀ BIÊN ẢI

Báo Văn Nghệ Trẻ đăng. Báo Hà Giang đăng hai kì liên tiếp. Năm 2017 mình tập hợp các bài thơ mình viết về mọi miền đất nước, in tập thơ lấy tên là: TRỞ VỀ BIÊN ẢI. Tập thơ được Hội Văn Học Nghệ Thuật Các Dân tộc Thiểu Số Việt Nam trao giải C.

Bài thơ được nhạc sỹ Tuấn Phương trăn trở cũng đúng 16 năm. Hôm qua, Tuấn Phương gửi qua gmail cho mình bài hát TRỞ VỀ BIÊN ẢI. Do ca sỹ: Sèn Hoàng Mĩ Lam. Cô gái Nùng, quê Lào Cai, sinh năm 1993. Giải nhất Sao Mai dòng nhạc dân gian 2017. Quán Quân cuộc thi: Người Hát Tình ca 2018 trình bày.

Vợ chồng mình nghe xúc động bởi giọng hát thánh thót như chim hoạ mi của em. Cám ơn nhạc sĩ và ca sĩ. Mình đăng bài hát tặng bạn bè gần xa. Để các bạn chia vui cùng vợ chồng mình nhân mùa xuân mới về!./.

Nguyễn Bá Thắng