Vay vốn thế chấp bất động sản ngày càng quen thuộc bởi hình thức này mang lại nhiều lợi ích với mức lãi suất cạnh tranh, quá trình giải ngân vốn nhanh chóng. Tuy nhiên, thủ tục hình thức vay này cũng gây khá nhiều khó khăn, đặc biệt là với những người dân làm ăn xa xứ.
Trên thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, tất cả các ngân hàng đều chấp thuận cung cấp cho khách hàng gói vay vốn thế chấp bất động sản. Vay vốn thế chấp bất động sản được hiểu là hình thức vay tiền có tài sản thế chấp thuộc dạng bất động sản như nhà ở, đất đai, công trình…
Vay thế chấp tại địa phương khác được hiểu là người vay dùng sổ đỏ nhà đất để đi thế chấp cho khoản vay của mình, nhưng tài sản đó lại ở một huyện, một tỉnh khác với nơi đang cư trú, sinh sống làm việc.
Hình thức vay khác tỉnh này hiện nay có thể được các ngân hàng chấp nhận. Nhưng vẫn có nhiều người dân làm ăn xa xứ gặp phải những rào cản do chưa có sự tìm hiểu về các quy chế cho vay của từng ngân hàng. Nhiều người dân dù biết có thể được chấp thuận cho vay nhưng tâm lý còn e ngại những thủ tục, quy định vay vốn bất động sản khác tỉnh.
Theo ông Tạ Thanh Tùng - Phòng Nghiên cứu bất động sản, Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, hiện nay việc vay thế chấp bằng sổ đỏ khác tỉnh có thể được ngân hàng chấp nhận, nhưng còn tùy vào quy chế cho vay của ngân hàng. Hơn nữa con tùy theo mục đích sử dụng vốn vay mà tỷ lệ duyệt hồ sơ cũng khác nhau.
“Hầu hết, ngân hàng ưu tiên chấp nhận tài sản trong khu vực có chi nhánh để thuận tiện quản lý. Mỗi ngân hàng sẽ có quy định về khoảng cách từ chi nhánh (từ 40-70 km) và bất động sản ưu tiên ở trung tâm các thành phố. Tỷ lệ vay thường chỉ 50% bất động sản có giá trị”, ông Tùng nói.
Xác nhận thực tế về vấn đề này, nhiều người dân cho hay họ đã vay được và vay thế chấp bất động sản khác tỉnh hiện giờ rất thoải mái. Quan trọng là ngân hàng có lựa chọn khách hàng có tài sản khác tỉnh hay không thôi. Hơn thế, còn tùy thuộc bất động sản sở hữu có tính thanh khoản tốt và có chấp nhận vay với tỷ lệ không được cao như mong đợi hay không.
Anh Nguyễn Duy Tùng, một người dân tại Đà Nẵng nêu ý kiến: “Quanh đi quẩn lại thì ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh. Họ cũng sẽ chấp nhận tài sản bất cứ nơi đâu nếu như dòng tài chính của bạn tốt, khả năng thanh toán khoản vay đúng hạn. Đó là các tiêu chí chính. Còn giá trị tài sản chỉ là một phần”.
Theo các chuyên gia, dù vay thế chấp hay tín chấp, cùng tỉnh hay khác tỉnh và dù có được chấp thuận hay không thì mỗi người dân cũng cần phải tìm hiểu và lưu ý những quy tắc bất di bất dịch trong vay vốn để tránh thiệt hại cho bản thân.
Cụ thể, người dân có ý định vay vốn thế chấp bất động sản tại bất kì ngân hàng nào cũng cần tìm hiểu thật kĩ các thông tin về gói vay như hạn mức vay tối đa, lãi suất, thời hạn vay. Hoàn thiện hồ sơ một cách chính xác nhất, tránh mọi sai lệch trong hồ sơ vay vốn. Nhất thiết phải đọc kĩ hợp đồng trước khi ký, đảm bảo nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng vay vốn. Đặc biệt phải nắm chắc cách thức tính lãi của ngân hàng cũng như cách thức thanh toán, từ đó lên kế hoạch chi tiêu và chủ động thanh toán lãi suất kịp thời với ngân hàng.
Hiện nay, các ngân hàng nhà nước luôn có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nhiều nguồn vốn thông qua thế chấp bất động sản, kể cả bất động sản khác tỉnh. Dù vậy, ngân hàng luôn có những quy trình cho vay cũng như nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn… Vì lẽ đó mà mỗi người dân cần cân nhắc cũng như có sự tìm hiển kỹ càng để không gặp phải những rắc rối đáng tiếc trong quá trình vay vốn.