Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du (Kỳ 8): Tình khúc ơ bai

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí và nhiều luận văn đại học, sau đại học trong và ngoài nước bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Loạt bài viết này chỉ là những lát cắt, những câu chuyện nhỏ chúng tôi may mắn được ghi chép lại từ những người bạn, những thầy giáo, những người hoạt động văn nghệ cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
tieu-su-co-nhac-sy-trinh-cong-son-1557-1653231191.jpg
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có người, có mẩu chuyện có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.

Với những chất liệu này, loạt bài viết "Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du" nhằm cung cấp thêm thông tin giúp độc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…

Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…

Kỳ 8: Tình khúc ơ bai

"Tôi đi bằng nhịp điệu

Một hai ba bốn năm

Em đi bằng nhịp điệu

Sáu bảy tám chín mười

Ta đi bằng nhịp điệu

nhịp điệu không giống nhau,

ta đi bằng nhịp điệu

nhịp điệu sao khác màu".

Năm 1986, Tỉnh hội Phụ nữ Lâm Đồng có chủ trương mời các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về phụ nữ Lâm Đồng, bởi phong trào phụ nữ của tỉnh trong chặng đường hàng chục năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh cao cả, chiến công dũng cảm, những tấm lòng trung hậu, những tình cảm đẹp đối với quê hương đất nước…những nét đẹp đó cần các văn nghệ sĩ xây dựng thành hình tượng trong văn học nghệ thuật.

Bà Cao Thị Quế Hương, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, người cùng em gái mình giúp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức thành công những đêm nhạc "Ca khúc da vàng" tại Đà Lạt mà chúng tôi đã đề cập trong kỳ trước, kể lại: "Tôi về Đà Lạt làm công tác phong trào phụ nữ ở Lâm Đồng. Lúc còn ở Sài Gòn thì tôi có dự một đêm nhạc của Hội Nhạc sĩ Thành phố trình diễn những bài hát mới thì tôi nghe anh Trịnh Công Sơn hát bài Huyền thoại mẹ. Khi lên Đà Lạt công tác thì tôi tìm hiểu về phong trào phụ nữ Lâm Đồng, thì tôi thấy có nhiều gương của phụ nữ Lâm Đồng rất là kiên cường, dũng cảm. Đến năm 1985, 1986 gì đó, tôi có đề xuất với cô Hải hội trưởng, hồi đó tôi chỉ là phó thôi, nên mời các nhạc sĩ lên viết về phụ nữ Lâm Đồng. Cô Hải đồng ý, sau đó tôi làm kế hoạch xin phép ban Tuyên giáo, rồi tôi xuống Sài Gòn gặp anh Phạm Trọng Cầu, Miên Viết Thắng, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn, Trịnh Công Sơn. Thì anh Phạm Trọng Cầu cùng các anh nhận lời, tôi mời đích danh mà".

"Sông cạn, đá mòn

Sông cạn, đá mòn

Làm sao ta gặp,

làm sao ta gặp được nhau

Ơ bai í à í á

Ơ bai í à a á

Ơ bai i à a á

Ơ bai i à a a á"

Hành trình đưa các nhạc sĩ đi thực tế sáng tác tại Lâm Đồng những ngày tháng đó thật là kỷ niệm khó quên đối với bà Cao Thị Quế Hương. Khi đến xã Xuân Thọ thăm các vườn rau, mấy anh nông dân đang trồng rau nghe nói có đoàn nhạc sĩ, có cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thì các anh đều tạm dừng công việc, chạy ra bắt tay Trịnh Công Sơn trước. Có người nói, tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn từ 20 năm nay, bây giờ mới được thấy Trịnh Công Sơn, cho tôi bắt tay Trịnh Công Sơn, rồi bắt tay các nhạc sĩ.

Sau đó, đoàn nhạc sĩ xuống xã Xuân Trường, vô nhà chị hội trưởng phụ nữ xã. Thập niên 80, vùng ven Đà Lạt vẫn còn hiện diện những ngôi nhà gỗ, khu Xuân Sơn có những căn nhà còn thơm mùi gỗ mới, nhát hương mùi gỗ thông. Trưa đó, cả đoàn cùng hát với chị em phụ nữ, các vị bô lão địa phương. Mọi người chăm chú lắng nghe Trịnh Công Sơn hát bài "Em là hoa hồng nhỏ", Phạm Trọng Cầu với bài "Cho con", Hoàng Hiệp thì "Dòng sông tuổi thơ", Miên Viết Thắng với "Một sớm con về"... Các mẹ, các chị, kể cả những cụ già, mấy em nhỏ đều thích thú, nhất là bọn trẻ khi nghe Trịnh Công Sơn hát bài "Em là hoa hồng nhỏ". Trong lúc đàn hát, có cụ chạy về nhà lấy rượu ngâm thuốc tới mời các nhạc sĩ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau này có nói lại với bà Quế Hương, rượu đó rất là ngon, uống mà không thấy mệt …

Các nhạc sĩ tham gia đợt sáng tác đó kể lại: Có mấy khi nhạc sĩ về làng, nên bà con trong thôn, buôn kéo đến đứng chật cả nhà nghe các anh hát tặng những bản nhạc mình tâm đắc. Những bài "Huyền thoại mẹ”, "Em là hoa hồng nhỏ"… được chị em yêu cầu hát đi hát lại nhiều lần. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng lên ôm đàn và hát. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên như muốn vỡ cả ngôi nhà. Các cụ già thì luôn tay mời rượu, hứng khởi lại càng tăng, tiếng hát càng nồng ấm, vang xa…

Hành trình của đoàn tiếp tục xuống tận Bảo Lộc, vào nhà chị Hội trưởng xã Đồng Đò. Các gia đình ở đây đều trồng cà phê xung quanh nhà, trước sân nhiều người đang phơi cà phê. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu và các nhạc sĩ ở Đà Lạt mỗi người đều hát mấy bài tặng bà con. Chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số quây quần xung quanh, đến nghe mỗi lúc một đông. Rồi mấy chị đem rượu cần đến đãi đoàn, mỗi người lần lượt cầm cần lên. Khi hát xong thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra sân, gặp mấy chị em phụ nữ dân tộc còn trẻ, nhạc sĩ xin chụp một tấm hình chung làm kỷ niệm. Bỗng mấy cô gái vừa cười, vừa nói tiếng đồng bào: Ơ bai, ơ bai… Trịnh Công Sơn không biết ơ bai là gì, sau đó mới có người giải thích ơ bai nghĩa là không chịu đâu. Từ kỷ niệm vui này, sau chuyến đi thực tế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết nên bài hát "Tình khúc ơ bai", mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hoàn cảnh sáng tác. Một tháng sau chuyến đi thực tế thì bài hát hoàn thành. Đoàn nhạc sĩ lại lên Đà Lạt biểu diễn báo cáo, Hội Phụ nữ Lâm Đồng đã tổ chức một đêm văn nghệ, mời chị em phụ nữ và bà con Đà Lạt đến nghe rất đông tại rạp Hòa Bình. Nhiều chị em phụ nữ đồng bào dân tộc rất thích bài hát này…

"Tôi đi bằng nhịp điệu

Một hai ba bốn năm

Em đi bằng nhịp điệu

Sáu bảy tám chín mười

Ta đi bằng nhịp điệu

nhịp điệu không giống nhau,

ta đi bằng nhịp điệu

nhịp điệu sao khác màu

Sông cạn, đá mòn

Sông cạn, đá mòn

Làm sao ta gặp,

làm sao ta gặp được nhau

Ơ bai í à í á

Ơ bai í à a á

Ơ bai i à a á

Ơ bai i à a a á"

Nhạc sĩ Phan Bá Chức, hội Nhạc sĩ TP.HCM nhớ lại: "Chuyến đi đó, hầu như cả đoàn không ai viết được bài nào, chỉ mỗi mình Trịnh Công Sơn viết được Tình khúc ơ bai, nội dung cũng chẳng ăn nhập gì với mong muốn của Hội Phụ nữ Lâm Đồng, nhưng lại là một bài hát vui tươi, nhiều người ưa thích".

Hết kỳ 8, đón đọc kỳ 9 với tựa đề "Vĩnh biệt đóa hoa vô thường"

Ghi chú: Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:

Nhà sử học Trần Viết Ngạc (TP. HCM).

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty (Hoa Kỳ).

TS triết học Thái Kim Lan (Cộng hòa liên bang Đức).

Trần Thanh Hưng