Triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng ra sao trước căng thẳng Nga – Ukraine?

Gần đến mùa đại hội cổ đông thường niên, một số ngân hàng hiện bắt đầu rục rịch công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022, với nhiều chỉ tiêu được các ngân hàng dự kiến tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, triển vọng tích cực của ngành có thể bị đe dọa bởi rủi ro nợ xấu, lạm phát và các ẩn số xoay quanh xung đột căng thẳng Nga – Ukraine.

* Ngân hàng lạc quan với kế hoạch lợi nhuận

Theo tài liệu dự kiến trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 sắp tới, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng trong năm nay, tăng trên 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%; trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ VIB, kế hoạch kinh doanh của VIB được xây dựng dựa trên những dự báo về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Đặc biệt, gói hỗ trợ quy mô 4,5% GDP của Chính phủ dự kiến triển khai trong 2 năm 2022-2023 sẽ hỗ trợ và tác động rất tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ngành ngân hàng. Dự báo nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số trong năm 2022.

Trong năm 2022, VIB định hướng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi nhằm đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu suất sinh lời. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) sẽ tiếp tục được duy trì ở mức top đầu toàn ngành; đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn về quản lý rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế hàng đầu.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức tháng 2/2022, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2022 với triển vọng lợi nhuận rất khả quan. Cụ thể, trong năm 2022, MSB đặt mục tiêu quy mô tài sản đạt 233.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế dự kiến là 6.800 tỷ đồng, tăng gần 34% so với con số thực hiện trong năm 2021 và tín dụng tăng 20-25% tùy vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), trong năm 2022, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, MSB sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí; đồng thời đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng như giảm chi phí vốn và giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư mới đây tuy chưa công bố con số cụ thể về mục tiêu lợi nhuận trong năm nay, song lãnh đạo ngân hàng này cũng kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ tích cực hơn năm ngoái. Trong năm 2022, VPBank dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18-20% tính riêng tại ngân hàng mẹ; nâng tỷ lệ tiền gửi CASA lên 23-27%; tiếp tục cải thiện biên lãi ròng…

tin-dung-2992021-1646202452.jpeg
Ảnh minh hoạ

Kế hoạch kinh doanh gây chú ý nhất ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, có lẽ là Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Theo kế hoạch đề xuất với Ban điều hành, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đề ra mục tiêu tổng tài sản năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.

HĐQT Eximbank kỳ vọng với sự phục hồi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong năm 2022 là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm ngoái. Trong năm 2021, Eximbank là một trong số ít ngân hàng có lợi nhuận thụt lùi, khi chỉ đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với năm 2020 và không đạt kế hoạch đề ra là 1.401 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng “big 4”, định hướng kinh doanh trong năm 2022 cũng được các ngân hàng lên kế hoạch ngay từ đầu năm, song với triển vọng tăng trưởng ở mức độ khiêm tốn hơn.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng này dự kiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ tăng tối thiểu 12% so với năm 2021. Tổng tài sản tăng 8% và tín dụng tăng 12%.

Trong năm 2021, Vietcombank ghi nhận mức lãi trước thuế hợp nhất gần 27.400 tỷ, tăng trưởng 19% tiếp tục giữ ngôi quán quân ngành. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14%. Như vậy, so với kết quả đã đạt được trong năm 2021, kế hoạch kinh doanh của Vietcombank có phần thận trọng hơn.

Trong năm 2022, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng dự kiến tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5 - 10%; Tín dụng tăng trưởng khoảng 10 - 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10 - 12%; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%; lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng trưởng 10-20%.

* Vẫn còn nhiều biến số ảnh hưởng

Dữ liệu thống kê cho thấy, trong năm 2021, lợi nhuận của toàn bộ 27 ngân hàng niêm yết đạt 146.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020, phần lớn nhờ vào thu nhập lãi ròng và thu nhập phí tăng cao hơn. Đây cũng là những yếu tố dự báo sẽ tiếp tục củng số đà tăng của ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 phần lớn sẽ phục thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (NPL) công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ hết hạn vào ngày 30/6.

“Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng – đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận trong năm nay”, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.

Các chuyên gia của Yuanta Việt Nam cũng lưu ý, vấn đề lãi dự thu cao có thể bóp méo lợi nhuận của các ngân hàng. Dữ liệu phân tích cho thấy, một số ngân hàng ghi nhận có tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Điều này cũng đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Các ngân hàng buộc sẽ phải ghi giảm doanh thu nếu khoản lãi không được thu trong cùng kỳ kế toán, hoặc sẽ phải ghi tăng chi phí nếu điều này xảy ra ở một kỳ kế toán khác.

Ngoài những yếu tố nội tại của ngành và tình hình kinh tế trong nước, “sức khỏe” của ngành ngân hàng có thể phải trải qua đợt thử thách mới đến từ xung đột căng thẳng Nga và Ukraine. Ở thời điểm hiện tại, việc đánh giá tác động lên ngành vẫn còn quá sớm. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng… có thể khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao. Trên lý thuyết, điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng vì doanh nghiệp sẽ e ngại đầu tư, người dân giảm tiêu dùng, cầu tín dụng theo đó sẽ thấp đi, ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm nay.

Thêm vào đó, tác động thương mại từ căng thẳng Nga và Ukraine vẫn chưa thể đánh giá hết tác động ở thời điểm này, vấn đề tỷ giá theo đó cũng còn bỏ ngỏ mức độ ảnh hưởng.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 3/2022 của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) ước tính, lãi suất cho vay và lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại lần lượt vào khoảng 6,2% và 3,0%. Do đó, lãi suất cho vay và lãi suất huy động thực tế hiện là 8,3% và 3,9% (lạm phát năm 2021 là 2%), lên 10% và 6%, nếu lạm phát tăng lên 4% trong năm 2022. Giả định các yếu tố khác không thay đổi, việc tăng lãi suất như vậy sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty phi ngân hàng từ 2-4%.

Tuy nhiên, MBKE kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức vừa phải dưới 4% và sẽ không có đợt tăng lãi suất đáng kể nào trong năm nay. Việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không nhất thiết sẽ kéo theo việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo MBKE, bên cạnh lạm phát, tăng trưởng GDP là một trong những chỉ tiêu giám sát chính của Ngân hàng Nhà nước, nhất là khi Việt Nam vừa trải qua một năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ lãi suất ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong khi đó, ở góc độ các ngân hàng thương mại trong nước, lạm phát dưới 4% không phải là vấn đề đáng lo ngại. Các ngân hàng cũng có các công cụ để bảo vệ lợi nhuận trong môi trường lạm phát nhẹ bao gồm tăng tỷ lệ cho vay sang bán lẻ nhiều hơn, tăng hệ số LDR, tăng CASA…

Do vậy, các chuyên gia của MBKE dự báo lãi suất cho vay vẫn ở mức 8% và lãi suất huy động sẽ tăng lên nhẹ 30-50 điểm cơ bản lên 4,5%. Diễn biến lãi suất này sẽ tác động không đáng kể đến các doanh nghiệp, bao gồm cả ngành ngân hàng./.