Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 2,9%
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 2,9% vào năm 2024 từ mức dự báo 2,7% vào cuối năm ngoái, mặc dù tổ chức này cảnh báo, các cuộc tấn công ở Biển Đỏ và xung đột ngày càng mở rộng ở Trung Đông là những rủi ro đáng quan tâm.
OECD dự báo mức tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới - Hoa Kỳ lên 2,1% vào năm 2024 và 1,7% vào năm 2025. Tổ chức này kỳ vọng nền kinh tế số 2 thế giới - Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay, nhưng dự đoán con số đó sẽ giảm xuống còn 4,2% vào năm 2025.
Theo OECD, các chỉ số gần đây cho thấy mức độ tăng trưởng ở mức độ vừa phải, với tác động của các điều kiện tài chính thắt chặt hơn tiếp tục xuất hiện trên thị trường tín dụng và nhà đất, trong khi thương mại toàn cầu vẫn trầm lắng. “Các cuộc tấn công vào tàu ở Biển Đỏ đã làm tăng mạnh chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian giao hàng, làm gián đoạn lịch trình sản xuất và tăng áp lực về giá”, OECD lưu ý.
OECD lo ngại về sự gián đoạn trong thương mại toàn cầu, với sự chậm trễ đáng kể và chi phí tăng 100% sau các cuộc tấn công ở Biển Đỏ. Bên cạnh các vấn đề vận chuyển, sự gia tăng căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng là rủi ro đáng kể đối với thương mại và lạm phát, trong đó xung đột ở Trung Đông đe dọa sự ổn định của thị trường năng lượng.
Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến, do đó OECD kỳ vọng lạm phát sẽ nằm trong mục tiêu vào cuối năm 2025 ở hầu hết các nước G20. Lạm phát chung ở các nền kinh tế G20 được dự đoán sẽ giảm từ 6,6% vào năm 2024 xuống còn 3,8% vào năm 2025. Tuy nhiên, OECD cho rằng các chính phủ nên thận trọng trong chính sách tiền tệ của mình để đảm bảo lạm phát được kiềm chế trong dài hạn.
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho rằng, tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các quốc gia. Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi tăng trưởng trở lại nhẹ nhàng ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Sự suy giảm đáng kể ở châu Âu dự kiến sẽ được cân bằng bởi sự tăng trưởng ổn định ở các nền kinh tế mới nổi. Đáng chú ý, Ấn Độ đang được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế được cải thiện và đầu tư vững chắc vào cơ sở hạ tầng.
Kinh tế toàn cầu lạc quan hơn với sự gia tăng của Mỹ và Trung Quốc
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với sự gia tăng ở cả Mỹ và Trung Quốc. IMF nhận định, lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, một “cuộc hạ cánh mềm” đã sắp xảy ra. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế Eurozone tiếp tục gặp khó khăn, tăng trưởng ở mức khiêm tốn 0,9% trong năm nay và 1,7% vào năm 2025.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas dự báo, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý, với lạm phát giảm đều đặn và tăng trưởng ổn định. “Chúng ta còn rất xa kịch bản suy thoái toàn cầu,” Pierre-Olivier Gourinchas cho hay.
IMF hiện đang dự báo mức tăng trưởng toàn cầu là 3,1% vào năm 2024 và 3,2% trong năm tiếp theo, thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu trung bình 3,8% trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019.
Tuy nhiên, Pierre-Olivier Gourinchas cảnh báo rằng vẫn còn rủi ro, bao gồm căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ. Tăng trưởng chung và thương mại toàn cầu vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử.
Có 3 yếu tố được IMF cho rằng sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu năm nay, bao gồm: Thứ nhất, giảm phát có thể nhanh hơn dự báo, đặc biệt nếu thị trường lao động bớt chặt chẽ hơn và kỳ vọng lạm phát ngắn hạn tiếp tục giảm, cho phép các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách sớm hơn dự kiến.
Thứ hai, các biện pháp củng cố tài khóa mà các chính phủ đã công bố cho năm 2024 - 2025 có thể bị trì hoãn do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng dày đặc về việc tăng chi tiêu công trong năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử. Điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, yếu tố này cũng thúc đẩy lạm phát và làm tăng nguy cơ gián đoạn sau này.
Thứ ba, nhìn xa hơn, sự cải thiện nhanh chóng về trí tuệ nhân tạo có thể thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng năng suất nhanh chóng, mặc dù đây là một thách thức lớn đối với người lao động.
“Mặc dù con đường “hạ cánh mềm” có vẻ khả thi, với tốc độ tăng trưởng giảm tốc nhưng không sụp đổ, tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn đang tác động đến hệ thống. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị leo thang và những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục thử thách các nền kinh tế và năm 2024 có thể sẽ là một năm đầy biến động với nhiều yếu tố cản trở con đường phục hồi toàn cầu" - báo cáo của State Street, một trong những nhà quản lý tài sản toàn cầu lớn nhất cho biết./.