Năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều nước, rủi ro về suy thoái kinh tế tại các nước khu vực châu Mỹ và tiêu dùng có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực khi đạt 153,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 128,2 tỷ USD, tăng 12,4%; nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%.
Trong đó, trao đổi thương mại với tất cả các thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức ổn định như Hoa Kỳ (11%), Brazil (6,6%), Canada (16,5%), Mexico (7,1%), Chile (9%), Argentina (8,3%)… Còn ở thị trường Hoa Kỳ, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt xấp xỉ 123,86 tỷ USD (tăng 11% so với 2021), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 109,4 tỷ USD (tăng 13,6% so với 2021).
Đối với khu vực thị trường các nước CPTPP, nhờ hiệu ứng tích cực của các hiệp định thương mại tự do CPTPP và VCFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nhóm 04 nước Canada, Mexico, Chi-lê, Pê-ru trong năm 2022 đạt 15,2 tỷ USD, tăng 10,9 % so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt 13,1 tỷ USD, tăng 8,7%; nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 26,9%.
Một khu vực thị trường quan trọng khác là khối MERCOSUR (gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,4%, nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.
Đối với các thị trường khác trong khu vực, kim ngạch thương mại song phương cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt: khu vực Trung Mỹ tăng 29,2% (đạt 1,12 tỷ USD), các nước Cộng đồng Andean tăng 12,9% (đạt 1,1 tỷ USD).
Để tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị, thương mại vẫn tiếp tục căng thẳng, lạm phát toàn cầu; rủi ro khả năng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; cạnh tranh gay gắt trên thị trường, chương trình công tác của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần phải tiếp tục ưu tiên các nhiệm vụ.
Cụ thể, theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp duy trì và phát triển thị trường; chú trọng nghiên cứu, phân tích, báo cáo cập nhật tình hình thay đổi chính sách của các nước trong khu vực có khả năng tác động đến kinh tế, thương mại của Việt Nam, từ đó dự báo các kịch bản khác nhau, đề xuất chính sách hợp tác kinh tế - thương mại phù hợp. Phát huy tốt hơn vai trò tư vấn trong việc định hướng tổ chức sản xuất trong nước phù hợp với nhu cầu và sự thay đổi của thị trường.
Hai là, trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do FTA và các khung khổ hợp tác kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực; Nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới.
Ba là, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường thông qua đa dạng hóa hoạt động phục vụ doanh nghiệp; chỉ đạo và phối hợp tốt với hệ thống Thương vụ khu vực Âu - Mỹ tiếp tục triển khai hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp tại thị trường sở tại và kiêm nhiệm. Ngoài ra, Vụ cũng cần tiếp tục tập trung kết nối, duy trì nguồn cung về nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước và kết nối đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi; nghiên cứu thêm các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực đầu tư, phát triển ra thị trường nước ngoài để từ đó có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước trong khu vực Âu - Mỹ, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu./.