Giá thanh long xuất khẩu tăng gấp 3 lần

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp thanh long của nước ta xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp 3 lần. Xuất khẩu thuận lợi, thanh long được dự báo sẽ lấy lại vị thế trái cây tỷ USD.

Là vùng chuyên canh thanh long lớn, hiện nay nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã và đang tích cực chăm sóc để có trái bán vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và xông đèn để xử lý thanh long ra hoa trái vụ chuẩn bị hàng hóa cho thị trường rằm tháng giêng 2023.

Giá thanh long Tiền Giang hiện được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao. Được biết, các vựa thanh long ở các huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000 - 25.000 đồng/kg. Với giá mua như trên, nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm đầu tư vào cây thanh long sau thời gian giảm giá mạnh.

Người dân tại huyện Chợ Gạo phấn khởi cho biết, gia đình vừa bán được 5 tấn thanh long với giá 25.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí tiền điện xông đèn (kích thích ra hoa) và phân, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30 triệu đồng, thu lãi gần 100 triệu đồng.

thanh-long-o-long-an-anh-cong-han-2-7274-1672923025.jpg
Nông dân đang bán thanh long vừa thu hoạch cho thương lái. Ảnh minh họa

Theo ghi nhận, tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, giá thanh long cũng tăng mạnh. Cụ thể, thanh long ruột trắng loại 1 có giá 13.000 - 15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 35.000 - 37.000 đồng/kg. So với thời điểm cuối năm 2021, giá thanh long ruột trắng hiện tăng mạnh nhưng chưa thể phục hồi về mức giá năm 2019, thời điểm trước dịch Covid - 19. Tuy nhiên, người trồng thanh long bắt đầu có lời.

Ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cho hay, giá thanh long ruột đỏ hiện tăng lên mức 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng nguồn cung từ các nhà vườn không có nhiều. Với thanh long ruột trắng, giá nhích lên mức 8.000-13.000 đồng/kg tuỳ loại. Diện tích thanh long của các thành viên HTX Thanh Long Thuận Tiến chỉ vào khoảng 24ha, diện tích liên kết khoảng 200ha. Do là nghịch vụ nên nguồn cung khá hạn chế.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An chia sẻ, giá thanh long hiện đang ở mức cao nhờ thị trường Trung Quốc hút hàng. Thanh long ruột trắng loại 1 giá 20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ loại 1 giá 40.000 đồng/kg, là mức nông dân đang có lãi. Nông dân đang đẩy mạnh chong đèn trồng thanh long nghịch vụ. Chỉ cần thanh long được giá, nông dân sẽ tăng sản lượng trở lại.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Ngoài ra, hàng xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Australia, EU... cũng tốt hơn bởi giá cước vận chuyển đã hạ nhiệt. Do đó, giá thanh long đang dần phục hồi.

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, không chỉ quả thanh long khi tình hình thông quan tại các cửa khẩu thông suốt, năm nay, Việt Nam có thêm loại quả tỷ đô là sầu riêng nên giá trị xuất khẩu dịp Tết sẽ rất cao. Ngoài ra, việc thông qua thuận lợi với thị trường Trung Quốc, giá các mặt hàng trái cây khác cũng được dự báo tăng lên, và tăng mạnh với những mặt hàng xuất khẩu truyền thống.

Với những yếu tố trên, ông Nguyên dự báo năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20 - 30%, đạt khoảng 4 tỷ USD. Trong đó sầu riêng, thanh long có kim ngạch cao nhất. Dự kiến năm 2023, hai mặt hàng này sẽ đứng vào nhóm mặt hàng tỷ USD, nhờ đó kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả sẽ tăng mạnh. Dù vậy, ông Nguyên cũng khuyến cáo, Trung Quốc hiện đã là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe nên bà con nông dân, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định thị trường để xuất khẩu suôn sẻ, tránh vi phạm.

Hiện Việt Nam có 5 sản phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết nghị định thư gồm: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang. Đồng thời, có 7 mặt hàng trái cây xuất khẩu dạng truyền thống được cho phép là: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít.

Việt Nam cũng đang xuất khẩu tạm thời chanh leo và ớt tươi sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường như, bưởi, mãng cầu, dừa, mận, chanh...

Thi Nguyên (t/h)