Thắng lợi nhờ tôm xen lúa
Những ngày này, ở nhiều địa phương vùng lúa - tôm ở Bạc Liêu đang tất bật thu hoạch tôm đón Tết. Ngoài nuôi tôm quảng canh, vụ mùa cuối năm, nông dân vùng tôm - lúa ở Bạc Liêu còn nuôi xen canh tôm càng xanh để có thêm nguồn thu nhập đáng kể đón Tết.
Anh Nguyễn Văn Hậu (ngụ xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, những ngày này, nhiều nông dân bắt đầu rút nước trong vuông tôm ra và thu hoạch tôm càng xanh.
"Gia đình tôi có hơn 2ha diện tích làm lúa - tôm. Mỗi năm vào dịp gần Tết, tôi thu hoạch lãi được khoảng 20 - 30 triệu đồng từ tôm càng xanh, giúp gia đình có thêm thu nhập đón Tết. Đây là năm thứ ba gia đình tôi trúng mùa tôm càng xanh, rất phấn khởi", anh Hậu chia sẻ.
Tại huyện U Minh, vụ nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa năm 2023, bà con xuống giống được 4.360ha. Ở thời điểm hiện tại tôm nuôi đã bước vào vụ thu hoạch, đúng lúc giá tôm tăng cao càng làm cho người nuôi phấn khởi.
Anh Trần Chí Linh, ngụ ấp 9, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết, vụ mùa năm nay gia đình anh thả nuôi 30.000 con tôm càng xanh giống toàn đực trên diện tích 1ha. "Hiện, giá tôm được thương lái thu mua từ 95.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/kg (tùy loại), cao hơn so với trước vài chục nghìn đồng", anh Linh nói.
Phòng NNPTNT huyện U Minh cho biết, năm 2023, toàn huyện thả nuôi được 4.360ha tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa, trong đó, xã Khánh Thuận thả nuôi với diện tích 1.470ha. Đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã tiến hành thu hoạch được hơn 1.450ha, năng suất bình quân 350kg/ha.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, mô hình lúa - tôm được các nhà chuyên môn và nhà khoa học đánh giá là mô hình sản xuất có hiệu quả, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, vùng sinh thái mặn, ngọt phía Bắc quốc lộ 1 của tỉnh Bạc Liêu rất thích hợp cho việc phát triển mô hình lúa - tôm.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tại địa phương cũng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa. Đặc biệt là định hướng canh tác lúa hữu cơ, tôm sạch nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Giá tôm tăng cao nhiều nơi nông dân vẫn treo ao
Giá tôm nguyên liệu đầu năm 2024 có dấu hiệu tăng nhẹ. Tôm thẻ được thương lái thu mua ở mức 90.000 đồng/kg loại 100 con/kg; 98.000 đồng/kg loại 80 con/kg; 118.000 đồng/kg loại 50 con/kg, cao hơn khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 2 tháng. Tôm sú loại 40 con/kg giá 120.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 210.000 đồng/kg và loại 20 con/kg giá 320.00 đồng/kg.
Theo dự đoán của các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu, giá tôm nhiều khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới do nhu cầu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Giá tăng là một trong những yếu tố kích thích người nuôi cải tạo ao thả nuôi vụ mới. Tuy vậy, nhiều hộ nuôi vẫn đang rất dè dặt do e ngại thua lỗ.
Tại huyện Đông Hải, nơi có diện tích nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh công nghệ cao, tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, thời điểm này các ao nuôi vẫn khá trầm lắng. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, 60 - 70% diện tích nuôi theo mô hình siêu thâm canh vẫn đang treo ao, chỉ khoảng 30% ao có tôm.
Ông Nguyễn Thanh Sang - hộ nuôi tôm công nghệ cao ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải - cho biết, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn do chi phí thức ăn, thuốc thú y thủy sản liên tục tăng cao. Trong khi đó, chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản khoảng 15.000 tỉ đồng được triển khai, nhưng đến nay người nuôi tôm rất khó tiếp cận vì đa phần bà con không đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu của ngân hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bạc Liêu cho rằng, người nuôi tôm cần tuân thủ những khuyến cáo về lịch thời vụ thả tôm của ngành chuyên môn; áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.
Riêng trong nuôi tôm thâm canh, chi phí thức ăn chiếm hơn 50 - 60% tổng giá thành sản xuất, do đó người nuôi nên chọn loại thức ăn có chất lượng tốt, phù hợp với cỡ tôm, cân đối lượng thức ăn phù hợp với sản lượng tôm có trong ao để tránh cho ăn thừa, gây lãng phí và tốn chi phí xử lý nước. Các hộ nuôi tôm cần lựa chọn con giống chất lượng tốt và sạch mầm bệnh trước khi thả nuôi để nâng tỉ lệ sống.
Ông Xuân cũng khuyến cáo người nuôi tôm tránh thu hoạch ồ ạt, thả nuôi với mật độ thưa, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cỡ tôm bán được giá cao. Cùng đó, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị ngành tôm.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 140.000ha nuôi tôm, sản lượng đạt trên 300.000 tấn/năm, đứng thứ hai cả nước về diện tích cũng như sản lượng tôm nuôi. Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thời gian qua mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC cho hiệu quả khá cao và ổn định. Theo đó, mô hình này cho năng suất khá cao (từ 10 - 15 lần) so với mô hình nuôi tôm thông thường (đạt khoảng 17 tấn/ha) và sản lượng tập trung với số lượng lớn (trên 70.000 tấn/năm) nên rất phù hợp cho nhu cầu xuất khẩu.
Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, để khai thác và phát huy giá trị mang lại từ con tôm, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là CNC. Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” gắn với thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025./.