Theo tờ trình Dự thảo trước đó, UBND TP.HCM cho biết, hiện nay, mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ chỉ áp dụng cho trường hợp giao thuê đất và chuyển nhượng. Tuy nhiên, Thông tư số 106/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định đối tượng rộng hơn, bao gồm cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp. Do đó, mức thu hiện nay chỉ mới áp dụng với 33% đối tượng và khối lượng công việc thẩm định, còn 67% đối tượng và khối lượng thẩm định chưa có mức thu.
Theo đó, từ ngày 01/6, người dân có bất động sản tại TP.HCM khi làm thủ tục thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại, chuyển nhượng hoặc đăng ký các loại biến động sẽ phải đóng mức phí cao hơn trước đây.
Trong trường hợp thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng, các hộ gia đình, cá nhân cần đóng mức phí 1.010.000 - 1.400.000 đồng thay vì 650.000 - 950.000 đồng như trước đây.
Các tổ chức phải đóng 1.800.000 đồng - 2.250.000 đồng khi thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng thay vì mức phí 950.000 đồng - 1.650.000 đồng như trước đây.
Trường hợp thẩm định hồ sơ để cấp lại lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại và các loại biến động, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư phải đóng 600.000 - 2.850.000 đồng; cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo phải đóng 1 - 3 triệu đồng.
Ngoài đối tượng áp dụng là hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, Thành phố bổ sung thêm các cơ quan, cơ sở tôn giáo phải đóng loại phí này.
Theo giải thích của Thành phố, mức phí tăng so với trước đây do mức thu cũ mới chỉ áp dụng với 33% đối tượng và khối lượng công việc thẩm định. 67% đối tượng và khối lượng công việc còn lại vẫn chưa có mức thu. Bên cạnh đó, mức thu cũ cũng chưa bảo đảm được mức chi cơ bản và thiếu đối tượng phải thu theo quy định mới của Bộ Tài chính.
Nghị quyết mới của TP.HCM về thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bổ sung thêm các trường hợp cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại và các loại biến động thay vì chỉ áp dụng với trường hợp giao, cho thuê đất, chuyển nhượng đất như trước đây.
Về mức phí, tính tổng các mức thu phí chi tiết theo hồ sơ, thửa, giấy chứng nhận, số trang và số tờ. Theo đó, giữ nguyên trường hợp đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm.
Trường hợp thế chấp, thay vì áp dụng chung mức thuế 80.000 đồng như hiện nay, điều chỉnh mức thu với hộ gia đình, cá nhân: 720.000 - 1 triệu (tăng từ 9 lần - 12,5 lần); cơ quan, tổ chức tăng lên 1,55 triệu - 1,95 triệu (tăng từ 19 lần - 24 lần).
Riêng trường hợp xóa thế chấp (hiện thu 20.000 đồng) và thay đổi nội dung thế chấp (hiện thu 60.000 đồng), đề xuất điều chỉnh như mức thế chấp. Về đối tượng miễn phí, giữ nguyên đối tượng theo Luật phí, lệ phí; bãi bỏ đối tượng yêu cầu sửa chữa sai sót, thông báo kê biên tài sản, thi hành án và trường hợp hộ gia đình, cá nhân vay vốn.
Việc tăng phí căn cứ theo chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước quy định. Chi phí này bao gồm các khoản như nhân công, vật liệu, dụng cụ, thiết bị, quản lý và kiểm tra nghiệm thu, thuê đất, ngân hàng...
Mức phí này sẽ được áp dụng từ ngày 01/6/2023 và được miễn đối với trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng.../.