TP.HCM: Hiệu quả chương trình bình ổn thị trường góp phần kiềm chế lạm phát

Sáng ngày 21/10, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hội thảo Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường. Với 2 doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên tham gia Chương trình bình ổn giá từ Tết Nhâm Ngọ 2002, đến nay TP.HCM có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình này. Tổng doanh thu của Chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng, giá các mặt hàng bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 5-10%.

Chương trình đã triển khai hiệu quả, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, góp phần phát triển đồng bộ hệ thống phân phối, kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng. Chương trình đã ngăn được tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi; hạn chế tình trạng nâng giá tùy tiện...

Được triển khai từ năm 2002, sau 20 năm, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực. Đây cũng là 1 trong những lý do giúp TP.HCM giữ được chỉ số giá tiêu dùng CPI luôn ở mức thấp hơn bình quân của cả nước.

Gần 70 doanh nghiệp và 10 tổ chức tín dụng, cùng hàng nghìn sản phẩm giá tốt hơn thị trường từ 10 - 15% là kết quả sau 20 năm TP.HCM nỗ lực thực hiện bình ổn thị trường. Từ bình ổn giá đến bình ổn thị trường, TP.HCM không chỉ tạo điều kiện cho người dân được mua sắm với giá tốt hơn, mà còn kết nối cung cầu giữa TP.HCM với các tỉnh, thành lân cận.

nguoi-dan-mua-sam-sieu-thi-8535-1666345622.jpg
Ảnh minh họa.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, để nâng cao hiệu quả chương trình, thành phố nên tăng cường công tác liên kết vùng để có nguồn cung với số lượng lớn hơn và kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Danh mục hàng hóa của chương trình cần mở rộng, trong đó cần linh hoạt từng thời điểm và bổ sung những mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh.

Thành phố cần huy động tổng thể các nguồn lực và các thành phần khác nhau tham gia chương trình; nâng cấp chương trình cả về số lượng lẫn các tiêu chuẩn chất lượng. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, hàng hóa của chương trình chủ yếu phân phối qua kênh siêu thị, kênh chợ truyền thống và các kênh khác còn ít nên cần mở rộng.

“Một số chợ truyền thống tham gia bình ổn chưa đạt yêu cầu, chưa nhiều nên đề nghị Chương trình hỗ trợ Hội tăng cường đưa hàng tới chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn, trường học, bếp an tập thể… Đó là những kênh để hàng bình ổn vào thị trường nhiều hơn và người tiêu dùng có điều kiện sử dụng hàng bình ổn tốt hơn”, bà Chi nêu rõ.

Toàn Thành phố hiện có hơn 3.000 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và gần 400 điểm bán hàng lưu động.

Giai đoạn 5 năm tới, TP.HCM định hướng chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ động nguồn cung, điều tiết cung - cầu, phát huy nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế thực hiện bình ổn; gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, giảm chi phí trung gian; quản lý thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất.

Thi Nguyên (t/h)