Theo báo cáo của TS.KH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TPHCM tại Báo cáo chuyên đề về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 6 tháng đầu năm 2024, vào ngày 19/8, được tổ chức bởi Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM. Ông Thắng cho biết, GRDP của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 26,67 tỷ USD, tăng 10,34%; kim ngạch nhập khẩu đạt 27,7 tỷ USD, tăng 5,18%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,5%.
Đặc biệt, ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Tổng doanh thu du lịch tăng 14,6%; khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 2.678 triệu lượt, tăng 38%. Đây là minh chứng cho thấy TP.HCM đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh.
Bên cạnh du lịch, TP.HCM cũng đang tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh khác như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, quản lý chất thải hiệu quả… Điều này thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, TP.HCM cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: Pháp lý bất cập, điều kiện tài chính thắt chặt, thiếu hụt thanh khoản, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ…
Để khắc phục những hạn chế này, TS.KH Trần Quang Thắng đưa ra 6 nhóm giải pháp: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư; Chi tiêu công hiệu quả, kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường; Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; Cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính; Thúc đẩy hợp tác kinh tế vùng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, trong buổi báo cáo còn có phiên thảo luận sôi nổi của các PGS, Tiến Sĩ, chuyên gia đầu ngành quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM. Đặc biệt có TS. Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM. Người đã dành nhiều tâm huyết cho công tác nghiên cứu và phát triển của thành phố. TS. Sâm đã đưa ra những phân tích, nhận định sâu sắc về vấn đề kinh tế, xã hội trong việc thúc đẩy phát triển bền vững của TP.HCM, đồng thời đặt ra các vấn đề, đề xuất những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của thành phố.
TP.HCM đang trên đà phát triển, nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. TP.HCM cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng các động lực tăng trưởng mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
TP.HCM đã và đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển xanh bền vững, với kinh tế xanh là động lực chính. Với những giải pháp đúng đắn, quyết tâm của chính quyền và sự chung tay của cộng đồng, TP.HCM sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế năng động, phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người dân và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước./.