TP. HCM: “Rượu ngoại” không tem nhãn phụ, mập mờ nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan trong hệ thống Winemart

Không có tem nhãn phụ theo quy định, mập mờ trong việc xuất hóa đơn thế nhưng hàng loạt sản phẩm “rượu ngoại” không rõ nguồn gốc xuất sứ vẫn được bày bán tràn lan trong hệ thống cửa hàng Winemart tại TP. HCM.

“Rượu ngoại” 3 không được bày bán công khai.

Hoạt động nhập khẩu, kinh doanh rượu nhập khẩu bắt buộc phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, các sản phẩm rượu nhập khẩu được bày bán ra thị trường phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện các thông tin liên quan đến sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều cửa hàng trên địa bàn TP.HCM đang bày bán “rượu ngoại” nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không xuất được hóa đơn vì không phải là hàng nhập khẩu chính ngạch vẫn được bày bán công khai.

Theo tìm hiểu tại website: https://winemart.vn/ thì thương hiệu Winemart được thành lập vào năm 2015, đây là đơn vị chuyên cung cấp các loại rượu vang, rượu mạnh, bia nhập khẩu và các loại thực phẩm cao cấp khác.

Tìm hiểu thêm thông tin được biết, hệ thống Winemart tại TP.HCM có 3 cửa hàng tại số 601 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 (đây cũng là địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty chủ sở hữu); Số 97 đường D1, Khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, và số 140 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận. Chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng này là Công ty TNHH Liên Kết Kỳ Lân, do ông Vương Tiểu Lân là người đại diện pháp luật.

Ghi nhận thực tế tại các cửa hàng mang thương hiệu Winemart tại TP.HCM được biết, nhiều sản phẩm rượu ngoại đang bày bán tại hệ thống cửa hàng này không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn được nhân viên bán hàng khẳng định là rượu xách tay, có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mập mờ trong việc xuất hóa đơn VAT.

z4131711352438-ce5ce65ea6070b88bf77448fa27c6b00-1677735608.jpg
Một số loại "rượu ngoại" được bày bán tại cửa hàng Winemart

Cụ thể, theo ghi nhận tại cửa hàng Winemart địa chỉ tại số 97 đường D1, Khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM, khi được hỏi thông tin tem nhãn phụ bằng tiếng Việt của chai rượu mang nhãn hiệu XO, với giá bán tại cửa hàng là 2.800.000 đồng thì nhân viên của cửa hàng cho biết là không rành lắm về vấn đề này và khi được hỏi với số lượng khoảng 50 chai thì nhân viên này cho biết là ở kho có đủ hàng để đáp ứng.

Theo quan sát tại cửa hàng, nhiều chai rượu ngoại đang được bày bán tại đây không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, một số sản phẩm rượu có dán tem nhãn phụ thì lại có dấu hiệu không đầy đủ theo đúng quy định về tem nhãn đối với các sản phẩm rượu nhập khẩu.

Còn tại cửa hàng Winemart tại địa chỉ số 140 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM, theo ghi nhận nhiều sản phẩm rượu nhập khẩu đang được bày bán tại đây cũng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao chai thì có tem nhãn phụ còn nhiều chai lại không có thì được nhân viên của hàng trả lời là do hàng này mới nhập về nên chưa có tem phụ.

Bên cạnh đó, khi phóng viên đặt vấn đề muốn mua 2 loại rượu ngoại nhãn hiệu Chivas 12 với giá là 620.000 đồng và Macallan 18 với giá là 6.700.000 đồng với số lượng lớn thì nhân viên cửa hàng cho biết là mua số lượng bao nhiêu cũng được, không cần phải là thùng và toàn bộ sản phẩm Macallan đều là hàng xách tay.

Đặc biệt, nhân viên tại cửa hàng này còn khẳng định: “không xuất được hóa đơn tem rượu Macallan được vì không phải là hàng nhập khẩu chính ngạch, chỉ xuất được hóa đơn loại rượu, phần quà rượu”.

Tương tự, tại cửa hàng Winemart địa chỉ số 601 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM, một người nhận là chủ cửa hàng tư vấn, nếu khách hàng muốn mua số lượng lớn rượu xách tay mang nhãn hiệu Macallan thì sẽ được chiết khấu 5% giá trị đơn hàng. “Đa phần công ty mua đi biếu tặng thì hóa đơn rượu không có giá trị để xử lý bên nhà nước, do đó, thường khách hàng sẽ chuyển qua phần quà để đưa vào chi phí của công ty dễ hơn còn rượu thì không đưa vào chi phí được”  chủ cửa hàng cho biết.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề sản phẩm rượu Macallan là nhập khẩu hay xách tay thì chủ cửa hàng cho biết, nhập khẩu có, xách tay có, chỉ khác nhau việc đóng thuế cho Nhà nước.

Trước thực trạng nêu trên, câu hỏi được đặt ra: Vì sao nhiều loại rượu nhập khẩu được bày bán tại chuỗi cửa hàng Winemart trên địa bàn TP.HCM lại không được dán đầy đủ tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định? Các loại rượu xách tay mà chuỗi cửa hàng này đang giới thiệu cho khách hàng bán ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ như thế nào? Vì sao chuỗi cửa hàng này không ghi rõ tên từng sản phẩm rượu trên hóa đơn VAT cho người mua?

Để làm rõ những câu hỏi trên, đề nghị Ban chỉ đạo 389 TP.HCM, Cục thuế, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

z4131711359198-2448240dea03e3b365afe6af05d9fce9-1677735689.jpg
Rượu không có tem nhãn phụ tiếng Việt, mập mờ nguồn gốc xuất xứ tại hệ thống WineMart

Nhận định dưới góc nhìn pháp lý về buôn bán rượu theo quy định

Trao đổi về quy định buôn bán rượu dưới góc nhìn pháp lý, một Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Rượu là một trong những loại thực phẩm xa xỉ. Hiện nay, việc nhập khẩu phải đáp ứng được một số nguyên tắc cơ bản như: thứ nhất, đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép tùy theo nồng độ cồn, theo quy định rượu từ 5,5 độ trở trên thì phải có giấy phép nhập khẩu rượu do Bộ Công thương cấp phép; thứ hai, đơn vị nhập khẩu phải chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT; thứ ba, để được kinh doanh rượu tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật về thực phẩm, sản phẩm phải được dán tem nhãn phụ, tem nhãn phụ phải thể hiện được thông tin có liên quan của sản phẩm”.

Cũng theo Luật sư này: “Hiện nay, việc các cửa hàng kinh doanh rượu nhập khẩu không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp cửa hàng vi phạm, tùy theo giá trị của loại hàng hóa thì sẽ xem xét xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 98 năm 2020.

z4131711373127-076898494c341ddc0818683b6f460fd3-1677735878.jpg
Địa chỉ một cửa hàng trong chuỗi Winemart của Công ty TNHH Liên Kết Kỳ lân

Còn trong trường hợp nếu là sản phẩm nhập lậu 100%, không có kê khai đóng thuế, không nhập qua cửa khẩu quốc tế, chính ngạch mà mua bán trôi nổi trên thị trường, hàng xách tay, hàng hóa không được nhập khẩu đúng theo quy định thì đây được coi là hành vi buôn lậu. Hành vi buôn lậu sẽ bị xem xét xử phạt trách nhiệm hình sự liên quan tới tội buôn lậu theo quy định tại điều 188 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, theo đó, người vi phạm sẽ bị xem xét xử phạt tiền lên đến 300.000.000 đồng hoặc là bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tùy theo tính chất, mức độ hành vi.

Ngoài ra, khi giá trị hàng hóa lớn đến 1.500.000.000 đồng thì sẽ bị xem xét xử phạt đến 7 năm tù. Bên cạnh đó, có thể bị xem xét xử phạt lên đến 15 năm tù nếu giá trị hàng hóa vi phạm trên 1.000.000.000 đồng và đã tái phạm nhiều lần theo điều 188 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về tội danh buôn lậu”

“Nếu một cửa hàng kinh doanh rượu bán cho chúng ta một chai rượu xách tay mà xuất hóa đơn của loại hàng hóa khác, có nghĩa là chai rượu này hóa đơn đầu vào của họ không có thì trong trường hợp này rất nhiều khả năng họ đang kinh doanh  các sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu”, Luật sư này cho biết thêm.

Để làm rõ hơn thông tin việc không có tem nhãn phụ theo quy định, nguồn gốc xuất xứ các loại “rượu ngoại” đang được bày bán tại hệ thống cửa hàng Winemart Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế Xanh đã gửi nội dung đặt lịch làm việc với Cục Quản lý thị trường TP. HCM, Công ty TNHH Liên Kết Kỳ Lân, tuy nhiên, các đơn vị này chưa có thông tin phản hồi.

Phạm Thạch - Thanh Vũ