Trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown (Mỹ) bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Đối với một thế giới với sự mong manh, sự không chắc chắn lớn hơn, sự biến động kinh tế cao hơn, các cuộc đối đầu địa chính trị và các thảm họa thiên nhiên tàn khốc và thường xuyên hơn, một thế giới mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị loại bỏ dễ dàng và thường xuyên hơn... Tất cả những điều này đòi hỏi sự cấp bách phải ổn định nền kinh tế.
Tuyên bố của bà Georgieva nêu rõ bên cạnh triển vọng toàn cầu u ám là các nguy cơ suy thoái đang tăng. Chỉ trong chưa đầy 3 năm, thế giới chứng kiến hết cú sốc này đến cú sốc khác.
Nguồn cung toàn cầu gặp khó khăn cũng đang là thách thức đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau những tác động của đại dịch COVID-19, đẩy lạm phát leo thang trên toàn thế giới. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá lương thực gia tăng.
Tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang tăng trưởng chậm lại, khu vực đồng Euro đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Trung Quốc phải hứng chịu những gián đoạn liên quan đến đại dịch và sự suy thoái ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại... Tất cả những yếu tố này buộc chúng tôi phải đưa ra cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái đang ngày càng gia tăng.
Cũng theo bà Georgieva, điều quan trọng hiện nay là phải “ổn định nền kinh tế toàn cầu bằng cách giải quyết những thách thức cấp bách nhất”, trong đó có tình trạng lạm phát, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần hành động cùng nhau để “ngăn giai đoạn bất ổn ngày càng tăng này”.
Bà Georgieva cũng cho biết, tại hội nghị thường niên dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Washington (Mỹ) IMF có thể tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Đây là hội nghị trực tiếp của IMF và WB đầu tiên kể từ năm 2019 - trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,2% và năm 2023 xuống còn 2,9%