Với chủ đề: “Xúc tác và hấp phụ trước thách thức chuyển dịch năng lượng”, Hội nghị đã đón tiếp gần 200 đại biểu tham dự, trong đó có 16 Giáo sư, 41 Phó giáo sư, 52 Tiến sĩ và 29 nghiên cứu sinh đến từ 41 trường đại học, 11 viện nghiên cứu và 13 doanh nghiệp trong cả nước. Đặc biệt, có 13 đại biểu đến từ 9 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Đài Loan, Úc và Hàn quốc.
Xúc tác và hấp phụ là hai quá trình quan trọng trong hóa học và công nghệ vật liệu, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp, môi trường và nghiên cứu khoa học. Trách nhiệm của cộng đồng khoa học và công nghệ xúc tác và hấp phụ đang đặt ra trong giai đoạn này là tập trung vào các nghiên cứu về những sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển vật liệu mới, cải thiện các quá trình sản xuất công nghiệp hiện có bằng cách sử dụng các chất xúc tác và vật liệu hấp phụ hiệu quả hơn để tăng năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời tiếp tục tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu do sự gia tăng hàm lượng CO 2 trong khí quyển, hướng đến sự phát triển bền vững.
Hội nghị lần này có 16 báo cáo nghiên cứu chuyên sâu, 29 báo cáo bằng poster của trên 30 nhóm nghiên cứu về xúc tác và hấp phụ trong và ngoài nước. Các báo cáo đã đề cập xu hướng nghiên cứu toàn cầu về lĩnh vực rộng lớn của xúc tác và hấp phụ mà Việt Nam có thể tiếp thu và phát triển, đặc biệt là vấn đề trung hoà carbon và giảm phát thải CO 2 , nâng cao chất lượng các quá trình chế biến dầu, năng lượng mới và bảo vệ môi trường. Nhiều nhóm nghiên cứu đã công bố các kết quả nghiên cứu mới, có tính ứng dụng cao, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng xanh hiện nay.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã trình bày tham luận “Hành trình năng lượng xanh của PV GAS”, nêu bật những vấn đề và giải pháp mà PV GAS đã và đang tích cực triển khai, nhằm tham gia chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải CO 2, tham gia cùng Chính phủ và Petrovietnam trong mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Trong những năm gần đây, PV GAS rất tích cực và nỗ lực trên hành trình chuyển đổi năng lượng xanh bằng các hoạt động, sự kiện ấn tượng như: trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất kinh doanh LNG tại Việt Nam, hoàn thành và đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 MMTPA Thị Vải.
Tính đến tháng 5/2024 PV GAS đã nhập khẩu thành công bốn chuyến tàu LNG, trong đó chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 5/2024 góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
Trong tương lai, PV GAS sẽ hướng tới kinh doanh và phát triển các sản phẩm mới như LNG theo mô hình kho cảng trung tâm, các sản phẩm chế biến khí cung cấp nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, các sản phẩm năng lượng xanh hydrogen và ammonia và thu hồi carbon (CCS) từ các nguồn phát thải để đáp ứng nhu cầu trong định hướng chuyển dịch năng lượng của Việt Nam và đạt được mục tiêu net zero như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Tổng Giám đốc PV GAS bày tỏ mong muốn trong thời gian tới PV GAS sẽ có nhiều hợp tác nghiên cứu hơn nữa với các nhà khoa học Việt Nam trong việc sử dụng các sản phẩm khí làm nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, thu hồi và lưu trữ CO 2 , công nghệ sản xuất hydrogen và ammonia xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã tham quan hệ thống thiết bị sản xuất của Tổ hợp Hóa dầu Long sơn, với số vốn đầu tư 5,4 tỷ USD đang vận hành thử nghiệm và sẽ đi vào khai thác thương mại trong năm 2024.
Kết thúc chương trình, Ban tổ chức thăm quan và làm việc tại Công ty Chế biến khí Vũng Tàu và kho cảng LNG Thị Vải. Các nhà khoa học trong Hội khoa học công nghệ xúc tác và hấp phụ Việt Nam đánh giá đây không chỉ là cơ sở hạ tầng LNG đầu tiên ở Việt Nam mà còn là một ví dụ điển hình cho việc hiện thực hóa sự chuyển đổi của ngành năng lượng quốc gia./.