Tốn trăm triệu khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính, hàng nghìn trang trại như "ngồi trên đống lửa"

Theo dự thảo, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức, sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi lợn và bò phải thực hiện công việc này. Các chủ trang trại chăn nuôi như "ngồi trên đống lửa".
kiem-ke-khi-nha-kinh-1-1718281664.jpg
Chăn nuôi là ngành phát thải khí nhà kính ra môi trường lớn thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Ngành Chăn nuôi phát thải ra môi trường hàng chục triệu tấn CO2

Ở nước ta, chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng. Với quy mô đàn lợn khoảng 28-29 triệu con, đàn gia cầm khoảng 545 triệu con, đàn trâu 2,3 triệu con, đàn bò (tính cả bò sữa) 6,7 triệu con, đàn dê và cừu 2,9 triệu con,... chăn nuôi là ngành phát thải khí nhà kính ra môi trường lớn thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm hai nguồn chính: khí metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 lên đến 81,8 triệu tấn. Trong đó, chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9%; chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước khoảng 379 triệu m3. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Theo kết quả điều tra năm 2016, lượng khí nhà kính phát thải từ dạ cỏ của động vật nhai lại chiếm tỷ trọng cao nhất, 444.000 tấn khí CH4 (tương đương 12,42 triệu tấn CO2e), tiếp đến là phát thải từ phân động vật bao gồm 11.000 tấn khí N2O (tương đương 2,97 triệu tấn CO2e) và 112.000 tấn khí CH4 (tương đương 3,13 triệu tấn CO2e).

kiem-ke-khi-nha-kinh-3-1718281704.jpg
Kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải trong chăn nuôi là việc phải làm. (Ảnh minh họa)

Theo danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2022, trong số các động vật có phát thải khí metan từ dạ cỏ, bò sữa gây phát thải khoảng 78kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76kg khí CH4/con/năm, bò thịt 54kg CH4/con/năm, ngựa 18kg CH4/con/năm, dê và cừu 5kg CH4/con/năm, lợn 1kg CH4/con/năm.

Tuy nhiên, do số lượng chăn nuôi bò thịt và trâu ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí metan hàng năm từ bò thịt lên tới 250.000 tấn/năm, trâu với 138.000 tấn và bò sữa khoảng 20.000 tấn/năm.

Tương tự, nếu tính trung bình khối lượng lợn tiêu chuẩn xuất chuồng là 90kg, một con lợn phát thải khoảng 438kg CO2 tương đương. Thông thường, một hộ gia đình sẽ xuất chuồng ít nhất 2 lứa lợn/năm, nếu quy mô chăn nuôi trung bình từ 3.000 đầu lợn sẽ phát thải xấp xỉ 3.000 tấn CO2 tương đương/năm.

Báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính gần đây cho thấy, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi đang có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi là 18,5 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2018 đã tăng lên mức 22,2 triệu tấn CO2, năm 2020 con số phát thải đã lên tới hơn 30,84 triệu tấn CO2.

Hàng nghìn trang trại gặp khó với chi phí kiểm kê khí nhà kính

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.

Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, tiềm năng của các biện pháp giảm phát thải liên quan đến ngành chăn nuôi trong cả giai đoạn 2021-2030 là 152,5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 54% tổng tiềm năng giảm phát thải của lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, xu hướng sản xuất xanh đang phát triển ở mức độ toàn cầu. Do đó, kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải trong chăn nuôi là việc phải làm.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozon là chủ trương đúng của Nhà nước nhằm hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Song, nếu áp dụng ngay với các trang trại chăn nuôi lợn và bò ở nước ta thì chưa phù hợp. Ông Dương cho biết, mới đây, hiệp hội này đã kiến nghị Chính phủ chưa đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính; nếu làm thì theo hướng tự nguyện, không bắt buộc.

kiem-ke-khi-nha-kinh-2-1718281647.jpg
Theo dự thảo, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Theo dự thảo, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức, sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi lợn và bò phải thực hiện công việc này, tốn kém khoản chi phí rất lớn.

Chỉ riêng thực hiện kiểm kê khí nhà kính, mỗi trang trại phải chi từ 100-150 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, hầu hết trang trại ở nước ta chưa thể thực hiện tự kiểm kê vì quá phức tạp. Như Tập đoàn TH - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi - cũng phải mất 4 năm mới hoàn thành việc kiểm kê khí nhà kính.

Chưa kể, các doanh nghiệp, trang trại sau khi kiểm kê còn phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao. Nếu không đạt sẽ bị xử lý vi phạm hoặc phải mua tín chỉ carbon bù vào. Như vậy sẽ làm tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính, nhưng theo lộ trình từ lúc yêu cầu đến khi bắt buộc thực hiện là 5 năm.

Bởi vậy, ông Dương cũng kiến nghị, ở nước ta nên có lộ trình để các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi có thời gian, điều kiện làm quen, tiếp thu được kiến thức, công nghệ phù hợp, cải tạo chuồng trại và chuẩn bị các nguồn lực để có thể thực thi được những vấn đề rất còn mới mẻ và phức tạp này./.

Trọng Bình