Tôm hùm đất- hàng cấm nhập khẩu nhưng đang mua bán công khai trên "chợ mạng"

Tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai có rủi ro đe dọa tới ngành nông nghiệp, dù bị cấm nhập khẩu, song gần đây, tôm hùm đất Trung Quốc vẫn đổ vào Việt Nam và được đông đảo người dân mua về ăn với giá vài trăm nghìn đồng một kg.
tom-hum-dat-trung-quoc-do-bo-cho-viet-nam-rui-ro-nganh-nong-nghiep-1718337681.jpg
Tôm hùm đất sống được nhiều cơ sở rao bán trên chợ online với giá 360.000-370.000 đồng một kg. Ảnh Vnexpress.

Tôm hùm đất là hàng cấm nhập khẩu nhưng vẫn được mua bán tấp lập và công khai trên mạng xã hội

Lướt nhanh trên "Hội thích ăn tôm hùm đất" trên mạng xã hội facebook, dễ dàng thấy được hoạt động mua bán tấp lập trong nhóm này đối với mặt hàng tôm hùm đất sống với đa dạng kích cỡ khác nhau, từ size 30-35, size 35-45,...

tom-hum-dat-tuoi-song-duoc-giao-ban-online-tren-mang-xa-hoi-facebook-1718338487.png
Ảnh chụp màn hình trang Hội thích ăn Tôm Hùm Đất.

Chị Nguyễn Thị Thu, một đầu mối rao bán tôm hùm sống tại chợ hải sản online ở Hà Nội, cho biết, thời điểm tháng 5-7 là mùa của tôm hùm đất ở Trung Quốc. Năm nay, nguồn cung dồi dào, hàng đổ về chợ với số lượng lớn nên giá bán cũng giảm mạnh so với những năm trước đó.

“Năm ngoái, giá tôm hùm đất dao động từ 500.000-600.000 đồng/kg. Còn nay giá chỉ 360.000 đồng/kg”, chị nói.

“Tôm hùm này sống rất khoẻ. Nhập về để trên cạn không có nước cũng sống được cả ngày, còn nhốt trong bể nước thì sống khoẻ cả tuần”, chị nói. Nhưng để đảm bảo hàng tươi ngon, chị Thu thường nhập số lượng 50-60kg đủ bán trong một ngày.

TS Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt) có tên khoa học là Procambarus clarki. Chúng có tên trong phụ lục 2 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. "Tổng cục không cấp phép cho bất cứ cơ sở nào nhập vào Việt Nam, hàng bán trên mạng là hàng nhập lậu", ông Luân nói.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, tôm hùm đất sống cũng không có tên trong phụ lục VIII danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, cơ quan này hiện chưa nhận được yêu cầu kiểm định nào đối với hàng nhập khẩu sống vào Việt Nam.

Trên thị trường, duy nhất Viện nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản I được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu. Đối với hàng thương phẩm chỉ cho phép nhập hàng đã sơ chế được kiểm định và cấp phép.

tom-hum-dat-trung-quoc-do-bo-cho-viet-nam-rui-ro-nganh-nong-nghiep-2-1718339103.jpg
Tôm hùm đất đang được mau bán công khai trên "chợ mạng".

Tôm hùm đất là loài "thủy quái' đáng sợ với ngành nông nghiệp

Tôm hùm đất là loại rất phàm ăn. Chúng đào hang rất giỏi, hoạt động về ban đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao nên sẽ phá hoại hệ thống kênh mương, làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp.

Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Đáng lưu ý, tôm hùm đất sống rất khỏe và dai. Khi sống trong môi trường tự nhiên thuận lợi, tuổi thọ của một con tôm hùm đất có thể lên tới 30 năm. Thậm chí, sức sống của loài tôm này càng mãnh liệt hơn với khả năng tái sinh lại chân hay càng bị đứt.

Trao đổi với PV.VietNamNet, TS Bùi Quang Tề - chuyên gia thủy sản - cho hay, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012, nhưng chất lượng thịt tôm khá ít, không đạt về hiệu quả kinh tế. Sau đó, xác định đây là loài sinh vật ngoại lai nguy hại cho môi trường sinh thái, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển ở nước ta.

Loại tôm hùm này ăn tạp, có thể cạnh tranh thức ăn với các loại thủy sản nuôi trồng khác, ông nhấn mạnh.

Ở Trung Quốc, việc nuôi tôm hùm đất rất phát triển nên khi vào mùa thu hoạch, hàng tràn sang Việt Nam. Ông Tề cho rằng, tôm hùm đất vẫn là sinh vật ngoại lai, không nên nhập khẩu và buôn bán.

Nhiều người còn gọi tôm hùm đất là "thủy quái" tôm lai cua vì chúng có thể bò ngang, đào hang giỏi như cua. Đáng sợ hơn, chúng có đôi càng màu đỏ to khỏe, có thể cắt ngang thân lúa cứng rất nhanh, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.

Sự thực giá trị dinh dưỡng của 'thủy quái' tôm hùm đất

TS Nguyễn Quang Huy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết, Việt Nam đã nhập khẩu tôm hùm đất từ Trung Quốc, nuôi thử nghiệm ở tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình và Hà Nam vào năm 2006. Kết quả cho thấy loài này sống ẩn nấp trong rễ cây ven sông hồ, thậm chí bò lên cạn thở bằng oxy, thường đào hang sâu 1-2 m nên có khả năng phá hủy hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Chúng còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt loài tôm, cá bản địa.

TS Nguyễn Quang Huy cho biết, việc đưa loài này vào nuôi ở Việt Nam có thể đem lại chút lợi ích trước mắt, nhưng tác hại gây ra cho nông nghiệp rất khủng khiếp, kéo dài. Chúng bò nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt hơn ốc bươu vàng. Nếu không cấm mà cho nuôi tôm càng đỏ thì từ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái cho đến các ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo nguy cơ cao gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn, hậu họa để lại lâu dài.

Theo chuyên gia, tôm hùm đất là những vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường nơi chúng trú ngụ, sinh sống. Nhiều nước cấm nuôi tôm hùm đất, một số nước cho phép nuôi ở khu vực nhất định nhưng kiểm soát chặt chẽ. Ở quốc gia cho phép nuôi, phần lớn là có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, họ buộc phải cho phép nuôi giống tôm này vì lợi ích kinh tế nhưng đi kèm với biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Về thông tin cho rằng tôm hùm đất là loài cho thịt thơm ngon hơn cả tôm sú, TS Nguyễn Quang Huy cho biết, tôm càng đỏ chỉ có 30% thịt và 70% vỏ, hàm lượng thịt và dinh dưỡng không cao hơn hay ngon hơn tôm sú, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đang có. Tôm hùm đất không có giá trị kinh tế cao.

Rủi ro pháp lý đôi với người mua bán tôm hùm đất có thể bị phạt hàng trăm triệu đồng, thậm chí phạt tù từ 3 đến 7 năm tù

Theo Điều 246, Bộ Luật Hình sự năm 2017 quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Mặc dù pháp luật quy định rất rõ như trên nhưng nhiều người dân không nắm được, vẫn bất chấp lợi nhuận, mua bán tôm hùm đất trên mạng, thậm chí lập cả hội nhóm công khai để phục vụ hoạt động mua bán./.

Kim Ngọc