Nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái

Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị. Mục tiêu trọng tâm là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, có giá trị cao và bền vững. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với việc hiện đại hóa nông thôn, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
nong-nghiep-ha-noi-1-1737169433.jpg
Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.(Ảnh minh họa)

Năm 2024, lần đầu tiên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội vượt ngưỡng 2 tỷ USD

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, năm 2024, ngành NN&PTNT Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn thách thức, chịu hậu quả quả nặng nề bởi bão số 3 (bão Yagi). Nhưng vượt qua rất nhiều khó khăn, ngành đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Điển hình là giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội tăng 2,52% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội đạt 66.373 tỷ đồng, tăng 12,35% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 60.223 tỷ đồng (chiếm 90,73%); giá trị sản xuất lâm nghiệp 157 tỷ đồng (chiếm 0,24%) và giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 5.993 tỷ đồng (chiếm 9,03%).

Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2024, lần đầu tiên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội vượt ngưỡng 2 tỷ USD (đạt 2,024 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu nông sản, thực phẩm đạt 1,463 tỷ USD, tăng 33,8% so với năm 2023. Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới và OCOP. Đến nay, thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 huyện Đông Anh, Thanh Oai phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào quý I-2025.

nong-nghiep-ha-noi-4-1737169348.jpg
Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội.(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 191 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu của Chương trình số 04 của Thành ủy đề ra). Hiện thành phố tiếp tục thẩm định thêm 73 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu công nhận trong năm 2024. Đối với Chương trình OCOP, riêng năm 2024, toàn thành phố đã đánh giá, phân hạng 606 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 98 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 498 sản phẩm 3 sao, vượt 151% so với kế hoạch năm 2024 là 400 sản phẩm. Như vậy, lũy kế từ 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu chương trình đề ra trước 1 năm (mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có 2.000 sản phẩm OCOP).

Đáng chú ý, là trong năm qua, Hà Nội đã được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề tơ lụa Vạn Phúc là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Thủ công thế giới phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới.

Phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị

Tại hội nghị, nhiều tham luận từ các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT và Phòng Kinh tế các huyện đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm để đạt kết quả cao trong công tác đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; xây dựng nông thôn mới…

Về mục tiêu năm 2025, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội sẽ phát triển nền nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Hà Nội phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm. Đối với nông thôn, phát triển gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, ngành nghề, làng nghề. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề tiêu biểu, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế so sánh và lợi thế về thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư nông thôn.

nong-nghiep-ha-noi-2-1737169506.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.(Ảnh minh họa)

Trong năm 2025, Sở NN&PTNT Hà Nội thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nâng cao dự báo thị trường và phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững. Đồng thời, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đặc biệt theo quy định của Luật Thủ đô, nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà ngành NN&PTNT đạt được trong năm 2024. Ông Quyền đề nghị, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó hình thành chuỗi nông nghiệp đa giá trị, đa mục tiêu.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố lưu ý trong năm 2025, ngành NN&PTNT cần tập trung vào các nhiệm vụ: Đối với trồng trọt, cần tiếp tục đầu tư chuyên sâu vào chất lượng cao, nông nghiệp định hình theo hướng hữu cơ, tạo ra các mô hình đa lĩnh vực, mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Ngành cũng cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi sang các mô hình phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhu cầu tiêu đùng của người Thủ đô như lúa chất lượng cao; phát triển vật nuôi đặc sản, chăn nuôi theo mô hình liên kết.

nong-nghiep-ha-noi-3-1737169536.jpg
Hà Nội sẽ phát triển nền nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. (Ảnh minh họa)

Đối với ngành nghề nông thôn, cần đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp tạo điều kiện tốt nhất cho các làng nghề phát triển đi cùng với đó là các cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch nhằm mang lại giá trị cao nhất, giúp ngành nông nghiệp vươn mình.

“Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch nhằm mang lại giá trị cao nhất, giúp ngành nông nghiệp đạt được kỳ vọng và xứng tầm Thủ đô…” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh./.

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành NN&PTNT đạt từ 2,5% trở lên; có thêm 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với một số cây trồng chính, diện tích lúa của thành phố duy trì 140.000-145.000ha, trong đó phấn đấu tăng diện tích lúa chất lượng cao từ 75% trở lên.

Hà Nội mở rộng diện tích trồng rau hằng năm lên 36.749ha, trong đó vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung khoảng 7.251ha, tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn quy mô lớn từ 20 đến 25ha trở lên. Về sản xuất hoa, cây cảnh, phát triển diện tích từ 8.000 đến 9.000ha; tiếp tục mở rộng và đầu tư, hình thành các vùng hoa, cây cảnh tập trung với quy mô vừa và lớn từ 20 đến 50ha trở lên ứng dụng công nghệ cao với các giống chủ lực.

Bình Châu