Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị; ông Hồ Đại Nam - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị và ông Lê Đức Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Về phía Đại sứ quán Israel tại Việt Nam có ông Nadav Eshcar; cùng lãnh đạo Sở, ban ngành tỉnh Quảng Trị, các doanh nghiệp của Việt Nam và Israel.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Quảng Trị là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả chiến tranh, đi lên từ bộn bề gian khó, tỉnh Quảng Trị đang có khát vọng vươn lên để hiện thực hóa tầm nhìn phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước dựa trên 3 trụ cột chính là Công nghiệp - Xây dựng, Nông nghiệp và Du lịch - Dịch vụ. Trong đó, công nghiệp năng lượng sẽ là ngành đột phát cho phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
"Quảng Trị còn có thể trở thành một trung tâm mới về năng lượng sạch của miền Trung, do đây là điểm tiếp nhận khí thiên nhiên từ mỏ Báo Vàng cách đất liền 100km và trong tương lai không xa là mỏ khí Kèn Bầu, có trữ lượng lớn nhất từ trước đến nay mới được phát hiện cách đất liền Quảng Trị 80km. Với gió Tây Nam thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng gió. Đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đạt khoảng 5.000MW điện từ các nhà máy nhiệt điện, điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và thủy điện, góp phần tạo động lực mới cho phát triển kinh tế", ông nói.
Hội thảo lần này sẽ mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa tỉnh Quảng Trị với các đối tác, doanh nghiệp Israel và quốc tế. Qua đó nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Quảng Trị tìm ra các giải pháp tối ưu trong quá trình vận hành nhà máy năng lượng tái tạo để đảm bảo tính bền vững cho dự án.
Israel là một quốc gia đang trên con đường trở nên độc lập về năng lượng thông qua các giải pháp tiên tiến về năng lượng tái tạo. Israel hienj có khoảng 100 công ty với các giải pháp đa dạng từ sản xuất, truyền tải, phân phối và lưu trữ năng lượng đến giảm thiểu carbon và năng lượng hydro. Ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam cho rằng, Quảng Trị có rất nhiều dự án điện gió đã và đang vận hành, do đó tin tưởng rằng tỉnh Quảng Trị sẽ là trung tâm năng lượng trong thời gian tới. “Israel hiện có có thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo, chúng tôi không mạnh về hạ tầng nhưng chúng tôi mạnh về công nghệ với nhiều phần mềm thông minh về quản lý và vận hành các dự án năng lượng. Các công ty Israel tại hội thảo đại diện cho hệ sinh thái tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng bao gồm: Augwind, Brenmiller Energy, mPrest, Ecowave Power và Solar Drones. Chúng tôi tin rằng hội thảo lần này là cánh cửa hợp tác giữa Israel và Việt Nam trong lĩnh vực này", ông Nadav Eshcar nói.
Được biết, tỉnh Quảng Trị hiện có 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.100 MW, hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư. Trong đó đã có 19 dự án đã hoàn thành công tác xây lắp và đưa vào vận hành phát điện thương mại với tổng công suất hơn 671 MW... Dự kiến giai đoạn 2025-2030, tỉnh sẽ đưa vào vận hành khoảng 900MW các dự án điện gió trên bờ, khoảng 1.000MW điện gió ngoài khơi. Phát triển 80MW điện sinh khối và khoảng 1.700MW các dự án thủy điện tích năng... Phát triển công nghệ tích trữ năng lượng, sử dụng các động cơ điện công nghệ mới, nâng cao hiệu suất động cơ điện, tích trữ năng lượng tốt hơn.
Bên cạnh đó, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi; hợp tác, ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất hydro bằng nước biển, sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo. Để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tỉnh Quảng Trị hiện đang tập trung kêu gọi đầu tư ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ xanh để giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.