Cà phê và ca cao là 2 sản phẩm du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XIX, theo thời gian, cà phê đã trở thành sản phẩm tiêu dùng thông dụng, hòa nhập hoàn hảo vào đời sống của người Việt. Với minh chứng Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê, còn Pháp là quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới về lượng tiêu thụ cà phê.
Đối với ca cao, có thể so sánh như là ‘vàng đen’ thứ 2 của Việt Nam. Do đó, socola của Việt Nam đang ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới; đồng thời những nhà sản xuất socola ngon nhất thế giới cũng dành không ít lời khen cho hương thơm đặc biệt của loại sản phẩm này. Tuy nhiên, ca cao vẫn chưa đạt được độ thành công như cà phê đối với người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi đó, người Pháp tiêu thụ trung bình hơn 7 kg socola/người/năm, tương đương mỗi người dùng gần 40 thanh socola 200gam/năm.
Buổi tọa đàm đã quy tụ các chuyên gia bao gồm: Nhà địa lý, nhà nông học cũng như các nhà phân phối như: Frédéric Fortunel là giáo sư nghiên cứu tại Đại học Le Mans và là thành viên của phòng thí nghiệm không gian và xã hội thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS). Trong hơn 20 năm, ông đã làm việc về các vấn đề nông nghiệp và bản sắc Châu Á. Ông sẽ mang đến các kiến thức chuyên môn về cà phê, từ việc trồng cho đến khi làm nên một cốc cà phê.
Mr Clément Rigal gia nhập CIRAD vào năm 2019 và Trung tâm Nông lâm Thế giới vào năm 2020 với tư cách là nghiên cứu viên biệt phái tại Hà Nội. Tại Việt Nam, Clément tiến hành nghiên cứu thông qua các dự án Breedcafs then Asset ở Tây Bắc Việt Nam (giới thiệu các giống Arabica F1 mới) và các dự án V-Scope và Bolero ở Tây Nguyên (thiết kế hệ thống trồng cà phê và hồ tiêu bền vững, phân tích vòng đời của cà phê). Clément là một nhà nông học nhiệt đới tập trung nghiên cứu về nông lâm kết hợp cà phê. Ông là chuyên gia về việc sử dụng các nguồn tài nguyên (nước, hóa chất đầu vào) trong phân tích hiệu suất tổng thể của hệ thống cà phê và trong quá trình chuyển đổi sang các phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững hơn.
GS.TS Nguyễn Đức Xuân Chương là nhà nghiên cứu của khoa Nông học trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ khoa học Nông nghiệp năm 2014 tại Đại học Nottingham (Anh Quốc), ông trở thành nhà nghiên cứu chuyên về trồng cây ca cao tại Đại học Hawaii. Hiện tại, TS. Chương đang tập trung nghiên cứu về phát triển bền vững và kinh tế nông nghiệp đối với các loại cây công nghiệp như ca cao, điều và dừa ở Việt Nam.
Lê Khánh Linh là một người Pháp gốc Việt, cô là người đồng sáng lập và là Tổng Giám đốc của The Cocoa Project, được thành lập vào tháng 02/2022 với slogan là “Sô-cô-la cho mọi người”. The Cocoa Project không chỉ là một quán cà phê tập trung vào sản phẩm socola mà ban đầu dự án còn được ví như một bảo tàng socola. Có thể nói The Cocoa Project có tham vọng tạo ra một nền "văn hóa socola tại Việt Nam" bằng cách mang đến những sản phẩm và trải nghiệm socola mới mà khách hàng đặc biệt yêu thích.
Sonia Odin là Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của “Cô Thợ Sôcôla” tại TP. Hồ Chí Minh, Sonia Odin là một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp. Cô là Thạc sĩ Khoa học và Công nghệ, chuyên ngành về Dinh dưỡng và Chế biến tại vùng nhiệt đới. Sonia Odin đã từng điều hành một số nhà máy socola cho đến năm 2022 đã quyết định thành lập cơ sở riêng của mình, nơi cô mong muốn nâng tầm các sản phẩm đặc sản của Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi về nhịp cầu giữa cà phê và ca cao, về việc đẩy mạnh ca cao thành một trong các sản phẩm được tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam, về sự giao thoa văn hóa mà 2 sản phẩm này mang lại, về các đặc thù thổ nhưỡng cũng như trách nhiệm trong canh tác, chế biến đối với môi trường.
Đồng thời, đây là cơ hội để cùng thưởng thức các hương vị của cà phê và ca cao Việt Nam với các thương hiệu như: Marou, The Cocoa Project, Cô Thợ Socolat và Folliet; cũng như khám phá tất cả sự phong phú của cà phê và socola của Việt Nam theo một cách riêng cùng với các diễn giả đặc biệt của chương trình.