Tìm giải pháp tạo sức bật để Tây Nguyên phát triển bứt phá toàn diện và bền vững

Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữ vai trò tâm điểm của kết nối Đông-Tây; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh đối với cả nước; là vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia... Bởi vậy, Đảng và nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách kỳ vọng tạo sức bật để Tây Nguyên phát triển bứt phá toàn diện và bền vững.
hoi-nghi-tay-nguyen-05-1709194302.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.(Ảnh TTXVN)

Tây Nguyên phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng

Sáng 29/2, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch 5 tỉnh Tây Nguyên và 9 tỉnh phụ cận là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước; Cục trưởng một số Cục thuộc Bộ Công an, vụ chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các sở, ngành liên quan của các tỉnh Tây Nguyên.

Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng có diện tích khoảng 54.500km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước; lớn thứ 3 trong 6 vùng kinh tế-xã hội; nằm ở điểm giao biên giới ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam, tiếp giáp các vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên có ý nghĩa tích cực và sâu rộng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước.

Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữ vai trò tâm điểm của kết nối Đông-Tây; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh đối với cả nước; là vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia...

Chính vì vậy, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

hoi-nghi-tay-nguyen-01-1709194333.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc Hội nghị.(Ảnh TTXVN)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Trong những năm qua, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên có bước phát triển tích cực; văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố; an ninh, trật tự được bảo đảm. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế của vùng.

Để phát triển bền vững Tây Nguyên theo đúng mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Hội nghị lần này bàn các giải pháp để nhanh chóng hiện thực hóa các nội dung của đề án.

Phát triển Tây Nguyên với tinh thần “5 quyết liệt”

Đồng chủ trì hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương thống nhất, đồng lòng, hành động quyết liệt, thực hiện các mục tiêu cụ thể trong Đề án, với tinh thần “5 quyết liệt”.

Bao gồm: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; Quyết liệt hoàn thiện, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên. Quyết liệt thúc đẩy điểm đột phá, “đánh thức”, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, con người vùng đất Tây Nguyên, thành nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quyết liệt giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở các yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ. Quyết liệt củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.

hoi-nghi-tay-nguyen-06-1709194363.jpg
Sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên có ý nghĩa tích cực và sâu rộng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. (Ảnh minh họa)

Đại tướng Tô Lâm cũng đề nghị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm trong năm bắt, phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giữ vững an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ.

Cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên các tỉnh Tây Nguyên huy động sức mạnh tổng lực thực hiện đề án, tận dụng các lợi thế để biến thành cơ hội phát triển, tự lực, tự cường vươn lên. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các tỉnh phụ cận phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Nguyên trong triển khai đề án của Chính phủ, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch, hệ thống hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, sinh thái sẵn có, độc đáo của Tây Nguyên.

Đại tướng Tô Lâm tin tưởng rằng với lịch sử lâu đời, truyền thống anh hùng, bất khuất trong kháng chiến, mạnh mẽ, sáng tạo vươn lên trong đổi mới, tinh thần đoàn kết, một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, sớm đưa Tây Nguyên phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững./.

Bình Nguyên