Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận hữu cơ chiếm 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) cả nước. Diện tích NTTS cả nước năm 2021 là 1,3 triệu ha. Như vậy, đến năm 2025, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ cần đạt 13.000 ha.
Kết quả thực hiện Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 và Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020
Theo một số nghiên cứu, sức khỏe và môi trường là 2 yếu tố quan trọng khiến người mua hàng ở nhiều thị trường khác nhau quyết định lựa chọn sản phẩm hữu cơ.
Số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ FiBL và Liên đoàn Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM) cho thấy, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới tăng trưởng từ 11 triệu ha năm 1999 lên đến 43.7 triệu ha năm 2014.
Úc là quốc gia có diện tích đất dành cho nông nghiệp lớn nhất thế giới với 17,2 triệu ha, Mỹ dành khoảng 2,2 triệu ha cho nông nghiệp hữu cơ, Argentina là 3,1 triệu ha và Trung Quốc với 1,9 triệu ha. Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Canada dành từ 0,9 - 1,7 triệu hecta đất canh tác nông nghiệp hữu cơ.
Cũng theo FiBL và IFOAM (2016), diện tích đất dành cho canh tác nông nghiệp ở Việt Nam là 65.240 ha trong năm 2014, trong đó có 20.030 ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 5317/QĐ-BNN ngày 28/12/2022 ban hành kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT triển khai Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Theo đó Tổng cục Thủy sản đầu mối thực hiện 3 nhiệm vụ liên quan đến xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tập huấn cho chuyên gia đánh giá và công bố danh mục sản phẩm vật tư đầu vào sử dụng trong nuôi thủy sản hữu cơ.
Tham gia hoạt động đánh giá chứng nhận tôm hữu cơ, hiện có 5 tổ chức chứng nhận được cấp Giấy hoạt động trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, gồm: Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Công ty TNHH Chứng nhận và Giám định QACONTROL, Viện nghiên cứu Phát triển tiêu chuẩn chất lượng.
Trong lĩnh vực thủy sản, hiện chỉ có tiêu chuẩn TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ.
Nhiệm vụ: Xây dựng các vùng NTTS hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa tập trung với diện tích mặt nước NTTS hữu cơ đạt khoảng 60-80 nghìn ha.
Thị trường
Theo điều tra của FiBL và IFOAM (2016), doanh thu bán lẻ trên thị trường thực phẩm hữu cơ Việt Nam năm 2014 khoảng 2 triệu Euro, thấp hơn so với các thị trường khác như Mỹ (27 tỷ Euro), Nhật Bản (1 tỷ Euro), Thái Lan (12 triệu Euro).
Tuy nhiên, nó cũng cho thấy một thị trường tiềm năng trong tương lai. Các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam hiện chủ yếu là rau quả, gạo, mô hình nuôi tôm hữu cơ cũng đang được áp dụng ở tỉnh Cà Mau, sản lượng còn thấp và được bao tiêu, bán ở dạng sống hoặc đưa vào một số nhà máy chế biến.
Tôm hữu cơ dạng sống được bán chủ yếu vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, ít được phân phối tại các cửa hàng bán lẻ tại siêu thị hoặc các cửa hàng thực phẩm sạch Nông sản ngon, cửa hàng rau Tâm Đạt, cửa hàng rau Bác Tôm…
Diện tích nuôi thủy sản hữu cơ hiện tập trung chủ yếu tại Cà Mau. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Cà Mau (tháng 5/2022), diện tích nuôi tôm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ là 19.710 ha, năng suất trung bình là 250-300 tấn/ha/năm.
Năm 2022, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Cà Mau lựa chọn và xây dựng 3 vùng nuôi tôm hữu cơ, tổng diện tích 146,9 ha, sản lượng dự kiến 97 tấn tại huyện Ngọc Hiển và Năm Căn; đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Cà Mau, Trà Vinh tổ chức 02 lớp tập huấn về Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2022 và hướng dẫn nuôi tôm hữu cơ theo TCVN 11041-8:2018.
Khó khăn, vướng mắc
Chưa có Tiêu chuẩn Việt Nam hữu cơ cho một số loài thủy sản bản địa.
Giống thủy sản hữu cơ chưa được quan tâm phát triển. Mặc dù đã có một số trại giống cung cấp tôm hữu cơ nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Người nuôi tôm trong rừng ngập mặn, tôm lúa chủ yếu là nhỏ lẻ, khó tiếp cận thông tin về việc thực hiện theo tiêu chuẩn TCVN 11041-:2018 và tiếp cận thị trường.
Chưa có nhiều sản phẩm thức ăn thủy sản hữu cơ, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
Đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ gặp khó do người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ.
Giải pháp
Sản xuất hữu cơ cần phát triển song hành với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững.
Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật tư đầu vào hữu cơ dùng trong nuôi NTTS; doanh nghiệp chủ động cập nhật các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Quảng bá, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm hữu cơ.