Tìm giải pháp đột phá để Kiên Giang phát triển xứng tầm trung tâm nuôi biển

Tỉnh Kiên Giang đã xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi biển.Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi biển của Kiên Giang chưa phát huy được lợi thế do còn những vướng mắc cần tháo gỡ.
kien-giang-phat-trien-nuoi-bien-2-1720055252.jpg
Khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển ở Kiên Giang.

Thế mạnh về phát triển ngành kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo

Với lợi thế có ngư trường rộng hơn 63.200km2, chiều dài bờ biển trên 200 km, có 143 hòn đảo lớn nhỏ, Kiên Giang có tiềm năng nuôi biển rất lớn. Năm 2020, Kiên Giang đã bắt đầu thực hiện đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, Kiên Giang có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo, trong đó có thế mạnh rất lớn về tài nguyên biển. Chính vì thế, tỉnh đã xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển).

Qua gần 4 năm thực hiện đề án, bước đầu đạt được kết quả nhất định. Năm 2023, nuôi cá lồng trên biển đạt 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910, tấn tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 1,65%/năm. Các loại cá chủ yếu như: Cá bóp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm... tập trung tại các huyện Kiên Hải, TP Phú Quốc, một số xã đảo của huyện Kiên Lương và TP Hà Tiên.

kien-giang-phat-trien-nuoi-bien-1-1720055306.jpg
Hội nghị thực trạng và định hướng phát triển nghề nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Đáng chú ý là Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE, kết quả đã chuyển đổi được 69 lồng, với quy mô 3.531 m3, mô hình này đem lại hiệu quả với năng suất trung bình 16,02kg/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống 4-5kg/m3.

Nuôi nhuyễn thể ven biển với diện tích thể là 23.282 ha, sản lượng 96.327 tấn với các đối tượng như: Sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh và nghêu đã phát triển ở các địa phương ven biển. Hình thức nuôi là thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, ao mương vườn và dưới tán rừng phòng hộ ven biển....

Với những lợi thế trên, thời gian qua Kiên Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Đến nay Kiên Giang đã cấp chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư với tổng vốn 695 tỉ đồng, diện tích mặt nước biển là 2.197,3 ha và tiếp nhận 155 hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nuôi biển của các doanh nghiệp và cá nhân.

Tuy nhiên ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đánh giá việc phát triển nuôi biển ở tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh bởi 1 số nguyên nhân như: tổ chức, cá nhân phải thực hiện nhiều thủ tục có liên quan và qua nhiều cơ quan để đề xuất chủ trương đầu tư, cấp phép nuôi biển và giao khu vực biển (6 Bộ ngành xem xét cấp phép), nên mất nhiều thời gian dẫn đến một số dự án triển khai chậm so với dự kiến.

Cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi biển còn chậm

Vấn đề quan trọng là hiện Chính phủ chưa ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm tại các đảo (Phú Quốc, Nam Du), là cơ sở để triển khai công tác giao khu vực biển đúng. Ở địa phương đã phê duyệt quy hoạch tỉnh và đề án nuôi biển, nhưng mang tính định hướng vùng huyện, không xác định các khu nuôi biển cụ thể.

Bên cạnh đó việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển còn chậm. Hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay vừa yếu vừa thiếu còn nhiều hạn chế...

kien-giang-phat-trien-nuoi-bien-4-1720055354.jpg
Năm 2023, nuôi cá lồng trên biển của tỉnh Kiên Giang đạt 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910, tấn tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 1,65%/năm.

Ông Lê Quốc Anh, Bí thư thành uỷ TP Phú Quốc cho biết, khi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách thuỷ sản đã có 500 hồ sơ gửi cho UBND tỉnh xin nuôi biển, trong đó 350 hồ sơ của cá nhân nhưng gần 5 năm qua cứ loay hoay và tới giờ chưa có hồ sơ nào được phê duyệt. Để góp phần tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục, công tác quản lý nhà nước về nuôi biển, ông Lê Quốc Anh mạnh dạn đề xuất trung ương cần mạnh dạn phân cấp cho địa phương trong việc quyết định giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân.

Theo ông Lê Quốc Anh: "Tới đây trong kiến nghị xin phân cấp mạnh mẽ, trong vùng biển Kiên Giang sẽ do tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Ông Lê Hữu Toàn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, trước khi ban hành quyết định về đề án nuôi biển thì Kiên Giang đã lấy ý kiến của 5 bộ và đều được các bộ này đồng ý vị trí, địa điểm các khu vực để tổ chức thực hiện

Cũng theo ông Toàn, dư địa của tỉnh để phục vụ cho đề án nuôi biển còn rất lớn với hơn 23.000 ha, cơ bản đủ điều kiện để triển khai nuôi biển cho 4 địa phương sẽ tham gia trực tiếp vào nuôi biển và 4 địa phương nuôi nhuyễn thể ven bờ. Với quyết tâm đẩy mạnh nghề nuôi biển thành ngành kinh tế mũi nhọn, tới đây Sở Nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở mạnh dạn kêu gọi đầu tư.

Ông Toàn nêu rõ: "Sắp tới đây, sau khi xác định được các địa điểm này phù hợp với tất cả các quy hoạch, các nội dung chúng tôi sẽ triển khai rà soát lại vị trí địa điểm, quy mô, xác định luôn toạ độ hình thành nên các khu vực cũng như các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể để tránh sự chồng chéo, chồng lấp giữa đề xuất của các doanh nghiệp. thay vào đó sẽ hình thành các danh mục để kêu gọi đầu tư. Hai là sở Nông nghiệp sẽ phối hợp Sở TNMT, Sở KHĐT và các đơn vị liên quan để hình thành các danh mục trình UBND tỉnh và mạnh dạn kêu gọi đầu tư phù hợp với quy định".

kien-giang-phat-trien-nuoi-bien-3-1720055393.jpg
Kiên Giang quyết tâm đẩy mạnh phát triển nghề nuôi biển.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự phát triển nông nghiệp của tỉnh trong nhiều năm qua; quyết tâm của địa phương trong vấn đề nuôi biển và đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Đồng thời, với những tiềm năng hiện có, chắc chắn Kiên Giang sẽ là trung tâm nuôi biển lớn.

Ông Phùng Đức Tiến cũng khẳng định Bộ NN&PTNT sẽ liên tục, xuyên suốt cùng với Kiên Giang tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế của nông nghiệp, của thuỷ sản nuôi biển Kiên Giang. "Đề nghị Cục Thuỷ sản đưa vào xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho nuôi biển để có căn cứ xét duyệt và tiêu chuẩn này phải gắn với thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.

Bình Nguyên