Thực hiện Đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Quyết định số 1664/QĐ-TTg, ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư 2 dự án, gồm kè chống sạt lở kết hợp bãi thải nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du tại xã Nam Du, huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang).
Dự án kè chống sạt lở kết hợp bãi thải nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du nhằm chống sạt lở, bảo vệ mặt bằng bãi thải chứa đất nạo vét để xây dựng khu dịch vụ hầu cần nghề cá và nuôi biển, cũng như tuyến đường bờ phía Tây Nam đảo Hòn Ngang xã đảo Nam Du.
Đồng thời, dự án nâng cao năng lực đáp ứng neo đậu tránh trú bão cho các loại tàu cá và tàu khách, tàu hàng có trọng tải đến 2.000 DWT của khu neo đậu hiện hữu, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân, doanh nghiệp hoạt động trên vùng biển Kiên Giang và các tỉnh lân cận tại ngư trường Tây Nam bộ trong mùa mưa bão.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết dự án có tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện 2023-2026.
Các hạng mục công trình của dự án, gồm tuyến kè bờ chống sạt lở dài 1.465m, cầu tàu kết hợp dài 120m; nạo vét vùng nước neo đậu tàu đến cao trình -8,0m; kết hợp đất thải nạo vét san lấp mặt bằng 22ha sau tuyến kè để tạo mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hậu cầu nghề cá và nuôi biển.
Tiếp đến, dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du xây dựng thành khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, phục vụ tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người và tài sản của ngư dân hoạt động nghề cá tỉnh Kiên Giang và các tỉnh lân cận trên ngư trường Tây Nam Bộ trong mùa mưa bão.
Dự án, công trình này đã khởi công xây dựng vào trung tuần tháng 12/2023, đến nay thực hiện được 20% giá trị khối lượng công trình và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025. Dự án có tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương 400 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 5 tỷ đồng.
Quy mô dự án, với công suất 1.000 tàu có chiều dài đến 35m (hoặc 600 mã lực) vào neo đậu; luồng và vùng nước neo đậu tàu diện tích 71,6ha; bãi chứa đất nạo vét diện tích 3ha, cao độ san lắp +1,60m; đê chắn sóng hướng Đông Bắc dài 420m, đê chắn sóng hướng Tây Nam 585m.
Ngoài ra, còn có hệ thống phụ trợ neo tàu như phao neo, bích neo; hệ thống báo hiệu, gồm trụ đèn báo hiệu khu neo đậu, cột báo hiệu đầu đê chắn sóng, cột báo hiệu luồng và vùng nước neo đậu; nhà quản lý khu neo đậu...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, sau khi 2 dự án nói trên dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ hình thành khu lấn biển có diện tích mặt bằng 18ha, với cao độ san lắp +1,60m.
Tỉnh tổ chức thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật để đầu tư hạ tầng như đường giao thông, điện, nước, xử lý nước thải, nhà xưởng... phục vụ khu dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi biển đảo Nam Du.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ tỉnh đầu tư 2 dự án kè chống sạt lở kết hợp bãi thải nạo vét khu neo đậu tránh trú bão và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du vừa phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường, vừa phục vụ hạ tầng thiết yếu cho các vùng nuôi biển tập trung trên vùng biển Tây Nam bộ.
Qua đó, tỉnh thu hút đầu tư vào phát triển nuôi biển của các thành phần kinh tế, tạo động lực phát triển các khu công nghiệp nuôi biển, khu kinh tế thủy sản ven biển, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang./.